TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Trong bối cảnh các nước đang phát triển quan ngại về hậu quả của việc vay vốn từ Trung Quốc để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, giới chức chống tham nhũng ở Nepal đã bắt đầu mở cuộc điều tra đối với Pokhara, sân bay quốc tế do các công ty Trung Quốc tài trợ và xây dựng.

Bên ngoài sân bay quốc tế Pokhara. Ảnh: NYT
Nepal đã tìm cách xây dựng sân bay Pokhara từ năm 1976 nhưng dự án bị đình trệ cho đến năm 2013, khi Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal ký thỏa thuận với China CAMC Engineering, công ty xây dựng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Máy móc Quốc gia Trung Quốc (SINOMACH), để phát triển sân bay. Công tác xây dựng bắt đầu vào tháng 4-2016 với kinh phí ước tính khoảng 305 triệu USD. Trong đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp khoản vay 215 triệu USD, Ngân hàng Phát triển châu Á 37 triệu USD và Quỹ Phát triển Quốc tế OPEC 11 triệu USD. Sân bay Pokhara có ý nghĩa sâu sắc đối với giới chức Nepal. Họ ca ngợi dự án này là “niềm tự hào quốc gia”, bởi nó được coi là cửa ngõ dẫn đến một trong những địa danh nổi tiếng nhất của nước này là dãy Himalaya.
Trung Quốc dự báo Pokhara tới năm 2025 sẽ tiếp đón khoảng 280.000 hành khách quốc tế nhưng sân bay này đến nay đã không đón tiếp được bất kỳ chuyến bay quốc tế nào, làm dấy lên lo ngại về việc liệu nó có tạo ra đủ doanh thu để trả các khoản vay cho Trung Quốc hay không. Thời báo New York (NYT) cho hay, giới chức Nepal đã yêu cầu Bắc Kinh chuyển các khoản vay xây dựng sân bay thành khoản trợ cấp để giảm bớt gánh nặng tài chính cho Kathmandu nhưng không thành.
Tháng trước, NYT cho biết CAMC đã thổi phồng chi phí dự án và làm suy yếu nỗ lực của Nepal trong việc duy trì kiểm soát chất lượng sân bay. Song, Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal, nơi giám sát việc xây dựng sân bay, đã không đưa ra phản ứng. Ngay sau khi bài viết của NYT được đăng tải, Ủy ban Ðiều tra về lạm dụng quyền lực (CIAA) của Nepal đã đột kích văn phòng Cơ quan Hàng không Dân dụng Nepal tại Pokhara và thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến dự án. Bhola Dahal, phát ngôn viên của CIAA, xác nhận rằng Nepal đang mở cuộc điều tra đối với sân bay Pokhara nhưng từ chối nêu thông tin chi tiết, đồng thời cho biết cuộc điều tra vẫn đang ở giai đoạn sơ bộ. Theo ông Dahal, cuộc điều tra được tiến hành sau khi CIAA nhận nhiều khiếu nại về những bất thường trong dự án.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong một tuyên bố cho biết không có thông tin gì về cuộc điều tra nói trên nhưng lưu ý rằng cơ quan này luôn yêu cầu các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước sở tại. “CAMC thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng và lưu giữ hồ sơ đầy đủ trong quá trình xây dựng” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Tuy nhiên, các chuyên gia kỹ thuật làm việc tại sân bay nói rằng công tác xây dựng của CAMC không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Công ty này đã hoàn thành công việc san lấp đường băng nhưng lại không cung cấp tài liệu cho thấy họ đã kiểm tra mật độ đất, khiến giới chức Nepal cho rằng móng của đường băng được xây dựng không đúng cách.
Cuộc điều tra là “đòn đánh” mới nhất nhằm vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích chất lượng không tương xứng với số tiền đầu tư, khiến nhiều quốc gia “chìm” trong nợ nần và gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ cho Trung Quốc. Khi không trả được nợ, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu Hambantota trong vòng 99 năm để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD. Giới phê bình ở Sri Lanka xem đây là một ví dụ của chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc.
Trung Quốc tuyên bố sân bay Pokhara là “dự án hàng đầu” trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” với Nepal. Ngoài sân bay Pokhara, Bắc Kinh còn đồng ý tài trợ cho một nghiên cứu khả thi về tuyến đường sắt xuyên biên giới, vốn là một phần của mạng lưới kết nối dãy Himalaya. Nepal cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong kế hoạch xây dựng đường dây truyền tải điện xuyên biên giới.
Tuy nhiên, Nepal bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng sân bay Pokhara nằm trong BRI. Bộ Ngoại giao Nepal cho biết việc triển khai các dự án thuộc BRI giữa 2 nước chỉ mới trong giai đoạn thảo luận, do Kathmandu mới ký kết gia nhập sáng kiến này năm 2017. Theo NYT, việc “dán nhãn” BRI cho sân bay Pokhara đã làm phức tạp mối quan hệ ngoại giao giữa Nepal với Ấn Độ, đối thủ của Trung Quốc tại khu vực. Đây có thể là lý do khiến phía Ấn Độ đã chậm phê duyệt các chuyến bay đi và đến từ sân bay Pokhara.