* THANH LONG
BÀI 3: LÀM GÌ ĐỂ HUY ĐỘNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN?
Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương IV (khóa X) về “tam nông” (nông nghiệp - nông thôn và nông dân) xác định: nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc...; nông dân là chủ thể của quá trình phát triển và xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM). Từ đây, nhiều công trình từ sức dân đã và đang hình thành ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trong điều kiện người nông dân còn nghèo, đời sống vật chất tinh thần còn nhiều khó khăn, làm thế nào để phát huy sức dân, để nông dân tiếp tục thể hiện vai trò chủ đạo kiến thiết lại bộ mặt nông thôn, rút dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong công cuộc XD NTM... đã và đang là vấn đề đặt ra trong tiến trình XD NTM.
CÔNG TRÌNH TỪ SỨC DÂN
 |
Huy động nguồn lực từ nhân dân, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ xây dựng nhiều tuyến đường giao thông, giúp làm bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang hơn. Ảnh: T. LONG |
Mấy năm trước, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, người dân muốn đi làm đồng áng rất bất tiện. Bởi lẽ, tất cả cầu bắc qua các con kinh thủy lợi chỉ bằng những thân cây gỗ. Những lúc trời mưa, đường sình lầy, cầu trơn trợt... khiến người dân địa phương đi lại rất khó khăn. Thấy vậy, Trưởng Ban nhân dân ấp Phước An, Huỳnh Chiêu bàn bạc với những nông dân có uy tín trong ấp bắc cầu bê tông qua các trục kinh chính ra đồng. Nghe chuyện có lợi cho nông dân, anh Từ Đức Thành, một nông dân “rặt ri” đã hưởng ứng ngay. Năm đầu tiên khởi xướng phong trào, năm 2000, do người dân chưa tin tưởng vào cách làm nên vận động rất khó khăn. Thế là, anh Từ Đức Thành bỏ ra gần cả chục triệu đồng mua vật liệu làm cây cầu đầu tiên. Anh Đức Thành nhớ lại: “Khi vận động, ít người hưởng ứng. Vậy mà, khi bắt tay vào xây cầu, nhiều người đi ruộng, thấy mình làm cũng vào làm phụ. Cây cầu xây xong chỉ tốn tiền vật tư; công cán, ăn uống... đều do người dân đóng góp”. Chiếc cầu đầu tiên từ “sức dân” xây xong, nông dân Từ Đức Thành cùng Trưởng ấp Huỳnh Chiêu mạnh dạn vận động các mạnh thường quân trong và ngoài xã. Hơn 10 năm qua, đã có trên 30 chiếc cầu bê tông (từ 5-35 triệu đồng/cây) bắc qua các con kênh nội đồng, hàng chục kí-lô-mét đường giao thông nông thôn... trong và ngoài xã Phú Tân được nhóm thợ nông dân của Từ Đức Thành XD.
Những câu chuyện tương tự trong công cuộc XD, phát triển vùng nông thôn ở vùng ĐBSCL đã trở nên phổ biến. Bởi theo số liệu thống kê từ các địa phương, hằng năm, vốn huy động trong dân lên đến hàng trăm tỉ đồng từ các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, giao thông nông thôn vùng ĐBSCL ngày càng phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, giao lưu hàng hóa giữa nông thôn và thành thị ngày càng mở rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống cho người nông dân.
LÀM GÌ ĐỂ HUY ĐỘNG SỨC DÂN?
Qua hơn 10 năm huy động sức dân XD các công trình công cộng, anh Từ Đức Thành, ấp Phước An, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “Nơi nào đường càng khó đi, vận động người dân làm đường, xây cầu càng dễ. Bởi những công trình này rất thiết thực đối với đời sống của bà con. Nhưng phần lớn nông dân còn nghèo nên có gì góp nấy, chủ yếu là ngày công lao động. Làm việc với nông dân, nói phải đi đôi với làm, phải rạch ròi, minh bạch trong tài chính dù chỉ vài chục ngàn đồng. Có làm được điều này thì mới mong nông dân tin tưởng, ủng hộ và làm theo...”.
Xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, có đến hơn 80% hộ dân sinh sống nhờ vào nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người hằng năm đạt chỉ đạt khoảng 14 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, người dân xã Trung An luôn đi đầu trong việc đóng góp tiền, đất đai, hoa màu... để XD đường giao thông nông thôn, trường học... Chỉ trong năm 2010, nông dân Trung An đóng góp gần 200 triệu đồng làm mới các tuyến lộ giao thông, bắc mới và sửa chữa cầu... trên địa bàn xã. Ông Lê Phước Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Trung An, cho biết: Vận động nông dân tham gia các công trình XD, phát triển nông thôn không khó. Bởi lẽ, ai cũng thấy được lợi ích từ các công trình và muốn đóng góp sức mình. Tuy nhiên, phải làm cho người nông dân tin tưởng vào những chuyện nhỏ nhất thì mới làm được những công trình có sự đóng góp sức lực của nông dân.
Năm 2010, xã Vĩnh Phú, một xã vùng sâu của huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có kế hoạch xây 2 cây cầu nông thôn Xẻo Nín và Xẻo Sâu. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú, Nguyễn Thiện Bảo, cho biết: Qua bàn bạc với Đảng ủy và các hội, đoàn thể, UBND xã quyết định vận động ngày công lao động từ dân trong xã. Khi bắt tay vào thực hiện, nhiều người nông dân còn hiến tặng cây bạch đàn làm giá đỡ... Sau 1 tháng thi công, 2 chiếc cầu nói trên được đưa vào sử dụng và tổng kết lại, còn dư gần 200 triệu đồng so với dự toán ban đầu và 42 bộ cột nhà bằng bạch đàn. Nguồn kinh phí còn dư xã bổ sung vào XD cầu, đường trong năm 2011. Còn cột bạch đàn của người dân đóng góp, đã cất 42 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trong xã. Về kinh nghiệm huy động sức dân, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thiện Bảo chia sẻ: Tất cả công việc liên quan đến quyền lợi của người nông dân phải có sự bàn bạc, thống nhất trong nội bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể. Đặc biệt, làm gì cũng phải suy tính thiệt hơn, tận dụng triệt để những gì dân đóng góp để phục vụ lại cho dân với tinh thần tiết kiệm thì dân mới tin và sẵn sàng ủng hộ.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN
Đột phá chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp nông thôn ĐBSCL và cả nước cần tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo và hướng nghiệp từ bậc phổ thông tại khu vực nông thôn. Đầu tư cả về cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút được đội ngũ giáo viên có chất lượng và tâm huyết thật sự với nông nghiệp, nông thôn. Cải tiến chương trình giáo dục, tập trung nhiều hơn về đào tạo nghề, hướng nghiệp ngành nghề để phân luồng học sinh nông thôn từ bậc trung học. Trong đó, có sự phân loại và hướng học sinh vào cấp học và ngành hợp lý, tránh lãng phí trong đào tạo, góp phần tránh được hiện tượng thừa thầy, thiếu thợ, lao động ít phải đào tạo lại và bằng lòng với nghề nghiệp đã được lựa chọn, không gây xáo trộn trong nông thôn ngay từ lúc bước vào độ tuổi lao động.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội
|
Trong công cuộc XD NTM, nông dân là chủ thể. Vai trò này thể hiện trong việc: tham gia ý kiến vào đề án XD NTM và bản đồ quy hoạch NTM cấp xã; tham gia vào lựa chọn những công việc gì cần làm trước, cần làm sau để thiết thực với yêu cầu của người dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương. Ngoài ra, nông dân XD NTM có quyền quyết định mức đóng góp các công trình công cộng của ấp, xã; cử đại diện (Ban giám sát) để tham gia quản lý và giám sát các công trình XD của xã... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay ở ĐBSCL là: Làm gì để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong điều kiện phần lớn đời sống người dân còn nghèo, trình độ dân trí so với mặt bằng chung của cả nước còn thấp? Trong khi đó, đòi hỏi của công cuộc XD NTM, phát huy vai trò nông dân là thực hiện đồng bộ, có hệ thống gồm các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường... nhằm khơi dậy, sử dụng, phát triển trên tất cả các yếu tố cấu thành: số lượng, chất lượng. Đây lại là vấn đề khó!
Kinh nghiệm phát huy vai trò của nông dân, trong XD NTM, Ban quản lý xã NTM Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng xác định mục tiêu tiên quyết là phải vận động người dân tham gia quá trình XD NTM ngay từ đầu. Bà Châu Ngọc Hồng, Trưởng Ban Quản lý xã NTM, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, cho biết: Người dân tộc Khmer chiếm trên 75% số dân trong xã. Sau gần một năm triển khai, người dân xã Phú Tân rất đồng tình chủ trương XD NTM. Bởi lẽ, trong cách làm, Phú Tân chọn mỗi ấp từ 3-5 nông dân tiêu biểu, có uy tín, sức ảnh hưởng trong cộng đồng làm nòng cốt triển khai XD NTM; từ đó dễ dàng tạo sự chuyển biến trong từng hộ gia đình, từng người dân. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Thực tế thời gian qua, các địa phương trong vùng đã làm tốt việc phát huy nguồn lực nông dân để XD và phát triển nông thôn, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Vấn đề quan trọng đặc biệt hiện nay, các cấp đảng, chính quyền và đoàn thể, nhất là cấp xã phải tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về XD NTM. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là những đầu tàu trong phong trào XD NTM. Có như vậy mới tạo sự chuyển biến sâu sắc đến đại bộ phận người dân; mới vận động, khuyến khích người dân tham gia theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân thực hiện” trong quá trình XD NTM.
(còn tiếp)
Bài 4: GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN TĂNG THU NHẬP NÔNG HỘ NHƯ THẾ NÀO?