09/02/2010 - 14:54

NATO tham vọng thành "Diễn đàn an ninh toàn cầu"

Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov (trái) trao đổi với Tổng thư ký NATO Rasmussen tại hội nghị Munich, hôm 6-2.

Phát biểu tại hội nghị an ninh thường niên lần thứ 46 ở Munich (Đức) hôm 7-2, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cho rằng liên minh quân sự này cần phát triển quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nga, nhằm tiến tới trở thành “diễn đàn an ninh toàn cầu”. Tuy nhiên, tham vọng này của NATO ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối từ Nga.

Ông Rasmussen lập luận rằng NATO hiện có 28 nước thành viên và 44 đối tác can dự ở Afghanistan, trong đó có 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nga. Theo Rasmussen, “NATO có thể là nơi để các đối tác toàn cầu của liên minh quân sự này trao đổi những quan điểm, những lo ngại và phương thức tốt nhất để đảm bảo an ninh trong nước, khu vực và thế giới”. Ông cho rằng diễn đàn do NATO chủ xướng này cũng có thể là nơi để các nước cùng nhau tìm giải pháp ngăn chặn những thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh không gian ảo, phổ biến hạt nhân, cướp biển...

Đề xuất của ông Rasmussen đã tạo ra những phản ứng trái chiều từ các nước trong và ngoài NATO tham dự hội nghị Munich. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và Bộ trưởng Quốc phòng Canada Peter MacKay ủng hộ quan điểm của ông Rasmussen. Theo họ, NATO là “diễn đàn tốt nhất để thảo luận an ninh toàn cầu, hơn cả Liên Hiệp Quốc”. Trong khi đó, Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga (Duma Quốc gia), cho rằng NATO trước hết phải nghĩ về lợi ích toàn cầu trước khi hành động như tổ chức toàn cầu. Theo ông Kosachev, vấn đề của NATO hiện nay là tổ chức này đang hành động theo hướng mở rộng toàn cầu, nhưng vẫn còn nghĩ tới lợi ích cục bộ. Ông Kosachev tuyên bố Nga sẽ không can dự vào tiến trình mà ông Rasmussen đề xuất.

Việc Mát-xcơ-va hoài nghi NATO không có gì bất ngờ, bởi quan hệ giữa hai bên thời gian qua thường xuyên căng thẳng. Nga cho rằng việc NATO mở rộng sang Đông Âu, cũng như kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu là những mối đe dọa chính yếu đối với an ninh của Nga. Thế nên, sau phát biểu của ông Rasmussen, ông Kosachev nhắc lại sự việc này với cáo buộc rằng NATO đã kích động cuộc xung đột Nga – Gruzia, khi cam kết để Gruzia gia nhập NATO. Trong học thuyết quân sự công bố mới đây, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cũng cho rằng Mát-xcơ-va có thể thay NATO và các tổ chức khác để đảm bảo an ninh, cũng như sẽ kiềm chế tiềm lực của bất kỳ nước nào muốn đơn phương sử dụng vũ lực. Ông Medvedev đã khẳng định lại quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga nếu nước này bị đe dọa. Học thuyết này cũng xác định một trong những mối đe dọa đối với Nga từ bên ngoài là sự mở rộng của NATO về phía Đông tới sát biên giới Nga.

N. MINH
(Theo Reuters, AFP, FT)

Chia sẻ bài viết