22/11/2010 - 09:04

NATO lấp lửng về chiến lược Afghanistan

Các nhà lãnh đạo NATO bên lề hội nghị ở Lisbon. Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Lisbon (Bồ Đào Nha) kết thúc cuối tuần rồi, với việc thông qua kế hoạch bắt đầu chuyển giao trách nhiệm an ninh ở Afghanistan cho các lực lượng an ninh chính quyền sở tại vào năm tới. Theo đó, đến cuối năm 2014, quyền kiểm soát an ninh ở tất cả các tỉnh Afghanistan sẽ được chuyển giao cho lực lượng Afghanistan. Tuy nhiên, tuyên bố chung của hội nghị Lisbon nhấn mạnh việc chuyển giao quyền kiểm soát như vậy sẽ không cần thiết phải triệt thoái quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan. Tiến trình chuyển giao sẽ “không dựa vào lịch trình mà căn cứ trên tình hình thực tế”.

Những tỉnh đầu tiên ở Afghanistan, nơi tiến trình chuyển giao sẽ bắt đầu vào năm tới, là những nơi phải đảm bảo an toàn và không nằm trong số các tỉnh được triển khai quân tăng viện. Một quan chức chủ chốt của Washington cho biết Mỹ, vốn chiếm hơn 2/3 trong 140.000 quân liên minh, chưa quyết định về việc liệu vai trò chiến đấu của các lực lượng Mỹ ở Afghanistan có chấm dứt vào năm 2014 hay không. Các quan chức khác cũng nhấn mạnh rằng thời hạn chót không phải “bất di bất dịch”, nhằm tránh nguy cơ chuyển giao và giảm quân số nước ngoài một cách vội vã.

Ngay cả khi các nhà lãnh đạo NATO xem kế hoạch trên là sự khởi đầu “giai đoạn mới” trong chiến dịch tại Afghanistan, nhiều dấu hiệu cho thấy sự bất đồng vẫn âm ỉ giữa các nước về nhiệm vụ của họ sau khi tiến trình chuyển giao này hoàn tất. Một số nước châu Âu như Ý và Tây Ban Nha muốn đẩy nhanh việc chuyển giao quyền kiểm soát an ninh tại các tỉnh Afghanistan, nơi có quân đội của họ triển khai, để có thể nhanh chóng rút quân khỏi quốc gia Nam Á này trước sức ép từ trong nước. Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho rằng thỏa thuận chuyển giao an ninh này sẽ “mở đường cho quân đội chiến đấu của Anh rời khỏi Afghanistan vào năm 2015”. Kế hoạch của liên quân xây dựng quân đội và cảnh sát Afghanistan để trao trách nhiệm an ninh cho họ sẽ được tiếp thêm “động lực” sau thỏa thuận hợp tác mới với Nga. Theo đó, Nga có thể hỗ trợ quân sự tại Afghanistan.

Ngược lại, các quan chức Mỹ cho rằng việc chuyển giao quyền kiểm soát an ninh của NATO cho Afghanistan không hẳn là kết thúc hoạt động chiến đấu của quân đội Mỹ. Các lực lượng Mỹ có thể tiếp tục chống Taliban bằng vũ lực thậm chí sau khi hoàn tất công tác chuyển giao. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Một vấn đề buộc Mỹ vẫn phải làm nhiệm vụ chiến đấu sau năm 2014 là duy trì khả năng chống khủng bố”. Một số tướng lĩnh quân đội NATO cũng lo sợ rằng định ra ngày tháng rút quân có thể tạo cơ hội cho Taliban lên kế hoạch chống phá Afghanistan. Thế nên, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định: “Tiến trình chuyển giao này phải dựa vào điều kiện chiến trường chứ không theo lịch trình”.

Theo các nhà phân tích, Mỹ và châu Âu hy vọng kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho Afghanistan trong 4 năm sẽ giảm sự phản đối của dư luận ở các nước tham chiến về cuộc chiến kéo dài 9 năm qua. Thế nhưng, những tuyên bố lấp lửng như trên càng gây thêm thất vọng cho những người bất mãn với chiến tranh.

NGUYỄN HOÀNG
(Theo WSJ, Washingtonpost, NYT)

Chia sẻ bài viết