16/02/2021 - 05:45

Năng động làm giàu 

Năm 2020, TP Cần Thơ có 2 nông dân là ông Lý Văn Bon  và ông Lâm Văn Tính vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Thủ tướng tặng Bằng khen. Ông Tính cũng là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu toàn quốc được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”. 

Ðưa chuối và thanh nhãn xuất khẩu

 Ông Lâm Văn Tính, ngụ ở ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, được xem là người tiên phong và táo bạo trong đầu tư mô hình trồng chuối cấy mô và thanh nhãn Bạc Liêu quy mô lớn ở ÐBSCL. Với mô hình sản xuất chuyên canh khép kín, sử dụng công nghệ cao, ông Tính đã xuất khẩu trái cây ra nước ngoài và có thu nhập hàng chục tỉ đồng/năm.

Ông Lâm Văn Tính là người tiên phong và gặt hái nhiều thành công từ mô hình trồng chuối cấy mô ở TP Cần Thơ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 Năm 2012, nhận thấy mô hình trồng chuối cấy mô của bạn bè ở tỉnh Ðồng Nai có giá trị kinh tế cao và đầu ra khá ổn định, lại là giống cây dễ trồng, ông Tính nung nấu ý tưởng tìm thuê đất để phát triển mô hình này. Sau một thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, năm 2015, ông Tính thuê 87ha đất ở Nông trường Sông Hậu (NTSH) tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cải tạo trồng chuối cấy mô. Ông Tính cho biết: “Giống chuối cấy mô được nhập từ Trung Quốc, ban đầu chỉ nhỏ bằng cọng rau giá, bán với giá 2.000 đồng/cây. Sau khi mang về Việt Nam ươm đến 2,5 tháng mới đem trồng”.

Thời gian đầu, ông Tính cũng gặp không ít khó khăn về kỹ thuật chăm sóc cũng như đầu ra của sản phẩm. Năng động, chịu khó tìm khách hàng, ông Tính được một số công ty xuất khẩu tận tình hướng dẫn từ cách trồng cho đến khâu thu hái, bảo quản. Ðể chuối đạt chất lượng xuất khẩu, ông Tính thuê 1 kỹ sư người Philippines về hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thu hoạch chuối… với mức lương 2.500 USD/tháng. Qua 9 tháng chăm sóc, vườn chuối phát triển xanh tốt và cho thu hoạch vụ đầu tiên được 2.000 tấn. Các công ty thu mua xuất khẩu với giá 12.000 đồng/kg và ông thu về 24 tỉ đồng.

Những năm tiếp theo, vườn chuối của ông Tính đạt sản lượng lên đến 3.000 tấn, trừ hết các khoản chi phí, trung bình mỗi năm ông Tính thu lời hơn 15 tỉ đồng. Chuối được xuất bán chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Ông Tính nói: “Chuối của Việt Nam quả to tròn, căng sáng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên sức tiêu thụ rất ổn định. Trước khi ký hợp đồng xuất khẩu chuối, phía công ty cử người đến kiểm tra vùng trồng và hướng dẫn cách chăm sóc, đóng thùng, xử lý nên nhà vườn rất an tâm”. Từ tháng 4-2020, hết thời hạn thuê đất tại NTSH, ông Tính không tiếp tục trồng chuối cấy mô.

Song hành với cây chuối, năm 2015, ông Tính còn thuê 4,5ha đất ở NTSH để phát triển mô hình trồng thanh nhãn Bạc Liêu. Sau 2 năm chăm sóc, vườn thanh nhãn phát triển tốt, thu hoạch được 12 tấn trái, bán với giá 70.000-80.000 đồng/kg. Năm 2017, ông Tính thuê thêm đất trồng thanh nhãn, nâng tổng diện tích vườn nhãn lên 10ha. Ông Tính cho biết: “Ưu điểm của giống nhãn này là kháng được bệnh chổi rồng và ra hoa tự nhiên nên không cần xử lý. Người trồng chỉ tưới nước, bón phân, phun thuốc theo định kỳ là cây phát triển xanh tốt và cho năng suất cao”. Hiện tại, thanh nhãn Bạc Liêu được xem là loại nhãn ngon nhất ÐBSCL nhờ đặc tính cơm giòn, khô nước, trái lớn, hạt nhỏ nên giá cả rất ổn định. Mỗi năm, vườn nhãn thu hoạch 20-40 tấn. Riêng năm 2020,  ông Tính xuất khẩu hơn 1 tấn thanh nhãn sang thị trường Mỹ. 

Tỉ phú cá thát lát cườm

Tận dụng nguồn nước sông Hậu, nhiều nông dân ở Cồn Sơn phát triển nghề nuôi cá lồng bè, thu lợi nhuận khá cao. Ông Lý Văn Bon ở khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy thu nhập hàng tỉ đồng nhờ mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp với du lịch trải nghiệm. Với khoảng 30 lồng bè trên sông Hậu, ông Bon đã nuôi được nhiều loại cá nước ngọt thành công như: cá thát lát cườm, cá chạch lấu, cá heo, cá leo, cá mê rỗ, cá Koi và cá chép phụng… Trong số đó, cá thát lát cườm là một trong những loại được ông Bon đầu tư nuôi với số lượng lớn. Trung bình, ông Bon xuất bán khoảng 700 tấn cá thát lát cườm và thu nhập hơn 5 tỉ đồng/năm. 

Mô hình nuôi cá lồng bè kết hợp với du lịch trải nghiệm đã giúp ông Bon có thu nhập hơn 5 tỉ đồng/ năm.  Ảnh: Thanh Thư 

Ông Bon gắn bó với nghề nuôi cá hơn 20 năm. Năm 2000, gia đình ông nuôi 2 bè cá điêu hồng với vốn đầu tư 200 triệu đồng. Cá điêu hồng dễ nuôi, thời gian thu hoạch ngắn, lợi nhuận cao. Sau vài năm nuôi, thu nhập từ con cá điêu hồng không còn hấp dẫn, thậm chí thua lỗ bởi nhiều hộ nuôi, giá bán thấp. Từ năm 2012, ông Bon chuyển sang nuôi cá thát lát cườm và duy trì đến nay. Ông Bon cho biết: “Ðặc điểm của loài cá này có sức đề kháng mạnh, ít bệnh. Do được nuôi trong môi trường tự nhiên, nước ít bị ô nhiễm nên cá lớn nhanh. Qua 6 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 500-700gram/con. Tùy vào thời điểm, cá thát lát được bán với giá từ 40.000-70.000 đồng/kg”.

Với ưu điểm thịt cá thát lát dai, giòn, ngọt và thơm, làm chả cá rất ngon, từ năm 2013, ông Bon tổ chức chế biến cá thát lát phục vụ du lịch và nhu cầu thị trường. Hiện tại, cơ sở sản xuất, chế biến cá thát lát ướp muối sả, rút xương, chả cá... Không chỉ cho thu nhập cao, việc nuôi cá và chế biến cá thát lát của ông Bon đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương. Mỗi ngày, điểm nuôi cá của ông Bon thu hút 150-200 lượt khách đến tham quan. Ông Nguyễn Văn Hùng, du khách ở TP Hồ Chí Minh, hồ hởi nói: “Ðến đây, trước tiên tôi tận hưởng được không khí trong lành của vùng sông nước và  trải nghiệm câu cá trên sông Hậu. Ngoài được thưởng thức món chả cá của anh Bon, chúng tôi còn tìm hiểu quy trình nuôi cá với những đặc tính riêng của từng loài thủy sản nước ngọt, đồng thời biết thêm hàng chục loại cá đặc sản nước ngọt: cá hô, cá chạch lấu, cá heo, cá éc,... do anh Bon nuôi và nhân giống”.   

Với những thành tích nổi bật trong sản xuất, kinh doanh, tháng 10-2020, ông Lý Văn Bon vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen nông dân tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

THANH THƯ

Chia sẻ bài viết