03/10/2014 - 20:32

Nâng chất phong trào Đờn ca tài tử ở Ô Môn

Gần đây, ngành văn hóa quận Ô Môn có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng chất, mở rộng phong trào Đờn ca tài tử (ĐCTT) trước thực trạng xuống cấp, thiếu căn bản của một số câu lạc bộ, đội nhóm tài tử địa phương. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp bảo tồn và phát huy loại hình Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại mà còn tạo sân chơi văn nghệ lành mạnh cho người dân.

Tối 26-9, tại sân khấu Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ô Môn có buổi giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ nhân, người mộ điệu ĐCTT. Dù 19 giờ chương trình mới bắt đầu nhưng mới hơn 17 giờ, bà con đã tụ họp rất đông, ai cũng diện những trang phục đẹp và chuẩn bị tiết mục văn nghệ giao lưu. Chương trình giao lưu được tổ chức khá bài bản, có sự tham gia của bà con đến từ 7 phường trong quận, xen kẽ các làn hơi, thể điệu: Bắc, Oán, Nam, Bắc Lễ… là bài vọng cổ hát theo phong cách tài tử. Ông Ngô Minh Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ô Môn, cho biết: Gần đây, trước xu hướng nhiều câu lạc bộ ĐCTT chỉ hát vọng cổ hoặc trích đoạn cải lương, nên mỗi lần giao lưu, Trung tâm đều cân đối, sắp xếp hài hòa để đảm bảo một buổi sinh hoạt ĐCTT "đúng chất".

Buổi giao lưu ĐCTT giữa các phường trong quận do Trung tâm Văn hóa -
Thể thao quận Ô Môn tổ chức tối 26-9.

Có thể nói, những buổi giao lưu này đã quy tụ gần như đầy đủ nhân tài ĐCTT Cần Thơ. Nghệ nhân đờn tranh Hai Lợi, "đệ nhất" ca ra bộ Đào Xinh hay giọng ca vọng cổ nhịp 16 Thanh Tùng… từ huyện Thới Lai đều đến tham gia sinh hoạt. Ngoài ra, mỗi lần giao lưu còn có sự tham gia của các bạn tri âm đến từ các quận, huyện trong thành phố và tỉnh Vĩnh Long. Ông Lê Văn Thiện (Sáu Thiện) tay đờn ghi ta phím lõm có tiếng ở xã Tân Hưng, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, lần đầu tiên tham gia buổi sinh hoạt, hào hứng: "Tôi rất cảm kích vì Ô Môn có hoạt động này. Anh em đờn hay, ca giỏi và đúng chất tài tử. Tôi học hỏi được nhiều!".

Hoạt động giao lưu ĐCTT giữa các phường Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ô Môn tổ chức 3 tháng/lần, bắt đầu từ năm 2009. Trước đây, buổi giao lưu do các phường luân phiên đăng cai nhưng hiện nay do Trung tâm tổ chức để thuận tiện cho việc đi lại của bà con. Hằng tháng, các phường đều đảm bảo tổ chức sinh hoạt tại chỗ ít nhất một lần. Nhờ vậy, phong trào ĐCTT ở Ô Môn hiện phát triển khá tốt. Nhiều gia đình, họ tộc hay xóm ấp đã thành lập những nhóm tài tử riêng. Điển hình như vợ chồng ông Tư Gầm, ở phường Long Hưng, hầu như không buổi sinh hoạt nào của phường, quận mà ông không tham gia. Bà Nguyễn Thị Lợi, vợ ông Tư, dù không biết ca tài tử nhưng vẫn thường xuyên tham gia để thưởng thức và ủng hộ chồng. Hay vợ chồng Bảy Hiếu, ngụ khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, cũng là gương mặt quen thuộc trong phong trào ĐCTT Ô Môn. Gần chục năm nay, ông Bảy Hiếu ngoài tiếng đờn kìm mùi mẫn còn dạy vợ ca tài tử. Những tiết mục "chồng đàn vợ hát" của ông Bảy Hiếu luôn thu hút người xem. Bà Bảy Hiếu vui vẻ: "Nghe ông nhà đờn riết rồi mê, tôi tập ca cho vui. Vì ca chưa nhiều bài bản nên tôi cố gắng đi theo buổi sinh hoạt để học hỏi".

Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ô Môn, trước mắt, đơn vị sẽ tập trung nâng chất hoạt động ĐCTT cấp phường thật sự mạnh, sau đó sẽ đến cấp khu vực. Cán bộ của Trung tâm luôn theo sát hoạt động để hướng dẫn về chuyên môn, cố vấn cách tổ chức sinh hoạt, kiến thức đờn ca… Ngoài ra, khi có lớp dạy ĐCTT, Trung tâm đều vận động, hỗ trợ nghệ nhân đi học. Ông Ngô Minh Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Ô Môn, nói rằng, những buổi giao lưu sinh hoạt cấp quận, phường vừa tạo sân chơi chính quy, khích lệ tinh thần cho người mộ điệu vừa là nơi để đơn vị "đãi cát tìm vàng". Qua những buổi giao lưu ấy, những tài năng trẻ, triển vọng được Trung tâm tuyển chọn, truyền nghề. Những giọng hát trẻ tên tuổi của TP Cần Thơ hiện nay như: Thùy Trang, Thanh Dung, Ngọc Vẹn… là "trái ngọt" mà Ô Môn đã gặt hái. Qua đó, giúp phong trào ĐCTT quận Ô Môn đứng tốp đầu của Cần Thơ. Đơn cử như trong Liên hoan ĐCTT TP Cần Thơ lần thứ VI-2013, Ban ĐCTT Ô Môn đã đạt giải Nhì.

* * *

Đêm đã về khuya, gần 22 giờ mà tiếng đờn ca của buổi giao lưu ĐCTT quận Ô Môn dường như càng ngày càng mùi mẫn. Chúng tôi ra về mà nghe văng vẳng khúc Nam xuân bài "Quê hương văn vật": "Ô Môn bốn mùa cây trái oằn sai. Nước ngọt quanh năm lúa mượt mà trĩu bông. Ôi quê hương mảnh đất rạng ngời. Những người con tài hoa một đời. Cầm kỳ thi họa tuyệt vời. Nhả cho đời những sợi tơ...".

Thế mới biết, một khi có sự quan tâm, tiếp sức của ngành văn hóa địa phương thì phong trào ĐCTT sẽ được "khơi thông", tiếp lửa. Người mộ điệu ĐCTT cũng có thêm động lực để gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết