24/08/2016 - 21:06

Nâng cao vị thế doanh nghiệp

Để tận dụng được những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới, nhất là TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), doanh nghiệp Việt cần lưu ý về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, cải thiện khả năng khai thác thị trường… Nếu thực hiện được các điều kiện này, doanh nghiệp Việt sẽ nâng cao sức cạnh tranh thị trường, nâng cao vị thế trong tiến trình hội nhập quốc tế.

 Hoạt động đóng gói bao bì ớt tại Công ty cổ phần BJ&T trên địa bàn quận  Bình Thủy, TP
Cần Thơ. Ảnh: M.HOA

Theo quy định của EVFTA, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) xây dựng quy tắc xuất xứ cụ thể cho từng mặt hàng theo mã số, các tiêu chí, giới hạn tỷ lệ nguyên vật liệu không có xuất xứ trong quá trình sản xuất chế biến… Đây là điểm doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu cần nắm vững và áp dụng cho từng sản phẩm cụ thể để được hưởng ưu đãi về thuế. Ngoài thuế quan, EVFTA còn có các quy định các biện pháp phi thuế quan về xuất khẩu nông sản,... Mặc dù EU áp dụng một mức thuế quan chung nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt lại chưa khai thác hết thị trường của các nước thành viên, nhất là thị trường các nước Đông Âu. Năm 2015, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường 11 nước Đông Âu chiếm một tỷ lệ rất thấp khoảng 5,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu vào EU. Do đó, đây sẽ là một khu vực thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt khai thác và tận dụng được cơ hội mà EVFTA mang lại.

Trong các FTA mới, sở hữu trí tuệ là một nội dung rất quan trọng. Trong đó, đặc biệt coi trọng chỉ dẫn địa lý (GI). Bởi GI sẽ thể hiện được tính độc đáo về công nghệ sản xuất hoặc điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng riêng của từng vùng địa lý làm nên sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác, bảo đảm chất lượng vốn có… Ngoài ra, để tăng tính cạnh tranh, đòi hỏi doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để tạo ra sự khác biệt, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiêp cần nắm vững các yêu cầu hợp tác và nâng cao năng lực, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, như: đào tạo về kiểm nghiệm và kỹ thuật phân tích trong phòng thí nghiệm; xây dựng cơ sở dữ liệu về quy trình và thủ tục của EU đối với hàng nông sản; xây dựng, thiết lập và duy trì hệ thống dịch và đăng tải tự động thông báo mời thầu tóm tắt bằng tiếng Anh, thúc đẩy ứng dụng đấu thầu điện tử…

Để thực thi các FTA, đáp ứng nhu cầu hội nhập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự trợ lực từ các ngành hữu quan trong đào tạo nhân lực, kỹ năng quản lý, quản trị, tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin về thị trường cũng như môi trường đầu tư, thủ tục hành chính. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ở địa phương và các quỹ tài chính khác. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường mới, mặt hàng mới, thâm nhập các kênh phân phối,… Ngoài ra, các ngành hữu quan cần có giải pháp quy tụ các doanh nghiệp cùng xây dựng nguồn nguyên liệu "chuẩn" để đủ sức xâm nhập thị trường các nước.. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam để quảng bá thương hiệu tới doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng với chi phí thấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần quan tâm cập nhật chính sách, tình hình kinh tế, các hiệp định thương mại, tăng cường liên kết trong quan hệ đối tác kinh doanh cũng như tận dụng sự hỗ trợ của các hiệp hội... Điều này, sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trước các thời cơ mà các FTA mang lại.

PHÚ AN

Chia sẻ bài viết