21/05/2025 - 21:48

Nâng cao thu nhập bằng mô hình nuôi ốc bươu đen trong vèo 

Nhờ nhạy bén trong nắm bắt thông tin thị trường và linh động thực hiện mô hình nuôi ốc bươu đen phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, ông Hồ Văn Mai ở ấp Ðông An, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre đã có điều kiện nâng cao thu nhập. Thay vì trực tiếp thả nuôi ốc bươu đen trong mương vườn cây ăn trái như nhiều nơi đã thực hiện, ông Hồ Văn Mai đã chọn cách nuôi ốc trong vèo. Mô hình nuôi này không chỉ giúp thuận lợi trong chăm sóc và thu hoạch ốc mà còn giúp quản lý tốt các loại dịch hại ốc.

Năng động tìm cách nâng cao thu nhập

Ốc bươu đen có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, được nhiều người ưa chuộng nên nhu cầu tiêu thụ ốc bươu đen rất lớn và loại ốc này cũng bán được giá cao. Do lượng ốc đánh bắt được trong tự nhiên ngày càng hạn chế, nông dân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL đã quan tâm phát triển các mô hình nuôi ốc bươu đen nhằm có nguồn sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường và có điều kiện nâng cao thu nhập. Những năm qua, ngày càng có nhiều hộ dân tại các địa phương vùng ÐBSCL tham gia nuôi ốc bươu đen. Tuy nhiên, sản lượng ốc nuôi tại nhiều địa phương vẫn còn hạn chế và còn thiếu hụt so với nhu cầu thị trường nên giá ốc luôn ở mức khá cao và dễ tiêu thụ. Nhận thấy con ốc bươu đen có đầu ra sản phẩm tốt và thị trường có nhu cầu tiêu thụ nhiều, ông Hồ Văn Mai đã quyết tâm nguyên cứu, tìm cách tận dụng các ao, mương sẵn có trong vườn dừa của gia đình mình để phát triển nuôi ốc bươu đen. Kết quả, ông đã chọn cách nuôi ốc bươu đen trong vèo đặt trên ao, mương trong vườn dừa và đã thành công.

Hiện mỗi năm ông Mai có thể cung ứng ra thị trường hơn 1 tấn ốc bươu đen thương phẩm, với giá bán ở mức bình quân từ 40.000-50.000 đồng/kg, qua đó giúp ông đạt được nguồn thu từ 40-50 triệu đồng/năm trở lên. Bên cạnh đó, ông Mai cũng có thêm thu nhập từ việc sản xuất và bán ốc bươu giống. Với lượng ốc giống được ông tạo ra khá lớn, ông cũng góp phần tạo được nguồn ốc giống phong phú để hỗ trợ các hộ dân tại địa phương phát triển sinh kế, đồng thời giảm sự khai thác quá mức ốc trong tự nhiên, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học. Ông Mai cho biết: “Từ khi tham gia nuôi ốc bươu đen và phát triển dần quy mô nuôi lên, thu nhập của gia đình tôi đã dần được cải thiện rõ nét và hiện tăng cao hơn gấp 2-3 lần so với trước đây. Gần đây, thu nhập từ cây dừa cũng được nâng cao khi dừa cho trái nhiều và trái dừa khô bán được giá rất cao, lên đến hơn 200.000 đồng/chục. Thu nhập từ vườn dừa của tôi có thể đạt từ 50-80 triệu đồng/năm trở lên”. Thời gian qua, ông Mai cũng thả nuôi thêm các loại cá vào các ao, mương trong vườn dừa nhằm có thêm nguồn thực phẩm để cải thiện bữa ăn của gia đình và nếu có dư thì bán kiếm thêm thu nhập.

Hiệu quả từ lựa chọn mô hình nuôi vèo

Việc lựa chọn mô hình nuôi ốc trong vèo để phù hợp với các ao, mương trong vườn dừa và điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương là một trong những yếu tố quan trọng giúp ông Mai đạt thành công trong nuôi ốc và gia tăng được thu nhập cho gia đình. Ông Mai cho biết: “Qua tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các mô hình nuôi ốc bươu đen và nghiên cứu về đặc tính của con ốc bươu đen, cũng như rà soát các điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương, tôi đã quyết định làm vèo để nuôi ốc. Bởi tôi nhận thấy nuôi ốc trong vèo dễ quản lý các chi phí đầu tư và hạn chế được các nguy cơ rủi ro so với nuôi thả lang tự do trong các ao, mương. Nuôi ốc trong vèo cũng giúp thuận lợi trong chăm sóc, thu hoạch và phòng tránh được các loại dịch hại ốc. Ðặc biệt, nó giúp khắc phục tình trạng ốc bị chim bìm bịp bắt ăn như khi thả nuôi tự do trong mương vườn tại địa phương mà nhiều hộ dân đã gặp phải”. Gia đình ông Mai đã bắt đầu nuôi ốc bươu đen từ năm 2023. Lúc đầu ông chỉ làm 3 vèo để nuôi ốc, sau đó thấy hiệu quả ông mới mở rộng quy mô nuôi lên và hiện ông đã có tổng cộng khoảng 10 vèo nuôi. Vèo nuôi ốc được ông Mai làm bằng lưới mùng và các cây tre trúc, với tổng phí đầu tư chỉ khoảng 150.000 đồng/vèo. Mỗi vèo có kích cỡ 2x3m, được thả nuôi từ 4.000-5.000 con ốc giống, với thời gian nuôi khoảng hơn 4 tháng là ốc có thể đạt kích cỡ 25-30 con/kg và có thể xuất bán. Lượng ốc xuất bán trong mỗi vèo có thể đạt từ 70-80kg trở lên. Nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều chi phí tiền thức ăn do có thể tận dụng các loại rau, quả có giá rẻ cùng nhiều loại phụ phẩm trong nông nghiệp và cây cỏ có sẵn tại địa phương như: bèo cám, rau muống, rau lang, mì, chuối cây… phục vụ làm thức ăn cho ốc. Theo ông Mai, muốn ốc bươu đen ăn khỏe và nuôi mau lớn, cần quan tâm lựa chọn loại thức ăn phù hợp từng giai đoạn của ốc và chú ý xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ các loại cây và rau, quả có kích cỡ lớn để ốc dễ ăn. Bên cạnh đó, cần chú ý quản lý chặt nguồn nước trong các ao và mương đặt vào nuôi ốc nhằm tránh nguồn nước bị ô nhiễm. Nhìn chung, chi phí đầu tư nuôi ốc bươu đen không quá lớn mà hiệu quả mang lại rất cao. Nông dân có thể đạt lợi nhuận trên 50% so với chi phí đã bỏ ra. Khoản chi phí đầu tư lớn nhất để nuôi ốc có lẽ chính là tiền mua con giống. Nếu nông dân nào tự sản xuất được con giống thì sẽ giảm được chi phí rất nhiều, đồng thời gia tăng thêm được thu nhập nhờ bán con giống và trứng ốc giống. Thời gian qua, giá trứng ốc được bán ở mức từ 500.000-1.200.000 đồng/kg, còn ốc giống (ốc con) có giá 200-300 đồng/con.

Không chỉ nỗ lực vượt khó, tìm cách nâng cao thu nhập cho gia đình, thời gian qua ông Mai cũng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu đen cho nhiều hộ dân tại địa phương. Vốn từng đi bộ đội và hiện là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh ấp Ðông An thuộc xã Thành An, ông Mai đã phát huy được nhiều phẩm chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ, luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và giúp đỡ mọi người cùng tiến bộ. Những kinh nghiệm được ông chia sẻ từ thực tế thành công tại mô hình nuôi ốc của mình đã gợi mở thêm hướng mới cho phát triển kinh tế hộ tại địa phương và giúp tiếp thêm nhiều động lực để hộ dân trồng dừa quan tâm khai thác các diện tích mương vườn để nâng cao thu nhập.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết