03/10/2020 - 08:05

Nâng cao năng lực sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu 

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hàng loạt sự kiện xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Mở ra cơ hội cho hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL với thế mạnh là lúa gạo, trái cây... Tuy nhiên, để thật sự khai thác được cơ hội này, các tác nhân tham gia trong quy trình sản xuất cần nâng cao năng lực, chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, gắn kết với các tiêu chuẩn của EU và của chuỗi giá trị toàn cầu.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Chinh phục thị trường EU

Chiều 17-9, Công ty Vina T&T Group đã xuất khẩu lô hàng gồm 1 container dừa tươi (đường tàu biển), 3 tấn thanh long, 12 tấn bưởi (đường hàng không) sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Theo Công ty Vina T&T Group, các sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn Global GAP, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như: ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - HACCP, phát triển các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng quy định của thị trường EU. Sau lô hàng này, trung bình mỗi tuần công ty xuất khoảng 20 tấn trái cây các loại sang thị trường EU.

Tiếp theo sự kiện trên, ngày 22-9, tại Tập đoàn Lộc Trời, tỉnh An Giang, 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được xuất sang EU theo ưu đãi thuế từ EVFTA. Sự kiện mở màn cho 30.000 tấn gạo thơm của Việt Nam hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan 0% theo EVFTA. Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực thực thi, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine 85. Trong đó, giá gạo ST20 đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine 85 đạt khoảng 600 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với mức giá trước khi EVFTA có hiệu lực (giá gạo ST20 khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 85 ở mức 520 USD/tấn).

Thời gian qua, Việt Nam không ngừng thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của rau, quả Việt Nam. Trong khi nông sản là một trong những mặt hàng được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực. Thuế cắt giảm sâu (từ 6-30%) và theo lộ trình tương đối nhanh, từ 1-6 năm đối với nhiều mặt hàng, như: ngay khi Hiệp định có hiệu lực, xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế đối với rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, khóm, dừa, bưởi...). Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay có mức thuế xuất nhập khẩu ưu đãi thông thường trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa ký kết hiệp định thương mại với EU như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Ông Poulain Jacques, Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho rằng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành trái cây Việt Nam, gia tăng cơ hội cho người tiêu dùng châu Âu được mua trái cây nhiệt đới chất lượng tốt. Hai bên đều kỳ vọng vào sự phát triển sắp tới. Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam dễ bị tổn thương, do đó, để đạt được những lợi ích như kỳ vọng, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng cải thiện, phát triển để đạt những tiêu chuẩn của EU, đặc biệt là những tiêu chuẩn: về chất lượng, cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các nguyên liệu trước khi chế biến và đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất; về đảm bảo tăng trưởng bền vững, cần điều chỉnh sản xuất theo yêu cầu của người tiêu dùng và nhu cầu thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các mô hình trang trại, đặc biệt các trang trại nhỏ, để đảm bảo chất lượng hàng hóa...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh:

EVFTA là hiệp định thế hệ mới có cam kết rất mạnh mẽ. Đây là cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam. Nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây Việt Nam không có sự cạnh tranh với thị trường EU mà có sự bổ trợ với nhau. Bởi EU nổi tiếng với các sản phẩm công nghệ cao về cơ khí, máy móc, dược phẩm, nông sản ôn đới và chế biến mà Việt Nam có nhu cầu. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động, các sản phẩm nông sản nhiệt đới mà thị trường EU cần. Thông qua quan hệ thương mại và đầu tư với EU, Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp thu năng lực công nghệ, năng lực quản trị hiện đại, từng bước chuẩn hóa, nâng cấp các quy trình sản xuất của Việt Nam để gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, dù EU mở cửa mạnh mẽ với các ưu đãi về thuế nhưng áp dụng hàng rào kỹ thuật rất chặt chẽ. EU yêu cầu rất cao về chất lượng nông sản. Để tranh thủ cơ hội này, các địa phương, doanh nghiệp, các hộ sản xuất cần lưu ý, hiểu đầy đủ, cặn kẽ các nội dung đã cam kết trong Hiệp định, hiểu những yêu cầu của thị trường EU với các mặt hàng, trong đó quan trọng nhất là: chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ phải minh bạch và rõ ràng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Để triển khai đồng bộ EVFTA trên cả nước và trong tất cả các lĩnh vực có liên quan, ngày 6-8-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ đề ra trong triển khai thực hiện EVFTA, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch 114/KH-UBND  ngày 21-9-2020 về việc thực hiện EVFTA (Kế hoạch 114) với lộ trình thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (năm 2020) và giai đoạn 2 (2021-2025). Nội dung trọng tâm của Kế hoạch là tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường của các nước EU cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp; tập huấn bồi dưỡng thông tin chi tiết về EVFTA cho các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp... Đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát văn bản pháp luật, kịp thời đề xuất sửa đổi ban hành để thực hiện EVFTA; xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp các ngành hàng trong thành phố, tập trung vào các lĩnh vực mà thành phố có thế mạnh.

Để triển khai hiệu quả Kế hoạch 114, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch, đồng thời có văn bản triển khai nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong việc triển khai EVFTA; hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố nắm được nội dung EVFTA nhất quán thông qua kế hoạch thực hiện rõ ràng và có tính kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan; vận dụng và phát huy hiệu quả các cơ hội mang lại cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, góp phần tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết, thị trường EU rất tiềm năng, quan trọng và là một thị trường khó tính. Do vậy khi xuất khẩu vào thị trường này cần phải lưu ý, hàng hóa phải có những chứng chỉ như: vùng trồng Global GAP, nhà máy đạt chứng chỉ ISO, HACCP, các chứng nhận xã hội, môi trường... và phải bảo đảm vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Chúng tôi hy vọng, năm 2020 xuất khẩu trái cây của Công ty Vina T&T Group vào thị trường EU sẽ tăng 20% so với cùng kỳ trước. Năm 2021, điều kiện trở lại bình thường (khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát) thị trường EU sẽ vươn lên vượt các thị trường khác về tổng sản lượng.

Chỉ trong 1 tháng kể từ khi EVFTA có hiệu lực (từ ngày 1 đến 31-8-2020), các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước thành viên. Riêng TP Cần Thơ, tính đến hết ngày 9-9-2020 đã cấp được 231 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 21,8 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng, thủy sản, gạo, nông sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang EU cũng đã bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Đơn hàng thủy sản xuất khẩu sang EU trong tháng 8-2020 đã tăng khoảng 10% về kim ngạch so với tháng 7-2020.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết