13/07/2023 - 08:12

Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Trong 6 tháng đầu năm 2023, vụ lúa đông xuân, hè thu đã và đang được thu hoạch ở vùng ÐBSCL. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá đây là những vụ lúa trúng mùa, được giá, cho lợi nhuận cao. Kết quả này là nhờ chuyển đổi thời vụ, xuống giống sớm né hạn, mặn, với cơ cấu giống phù hợp... Nông dân hưởng trọn niềm vui từ các vụ lúa và tiếp nối cho những vụ mùa sắp tới.

Lúa hè thu được nông dân TP Cần Thơ tập trung thu hoạch, có năng suất cao.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm của nước ta ước đạt 3,1%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%, trong đó nông nghiệp tăng 3,14%, lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,77%. Sản xuất trồng trọt 6 tháng đầu năm 2023 được đánh giá là đạt kết quả khá tốt do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất hầu hết các cây trồng chủ lực tăng khá; đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu...

Sản xuất lúa chất lượng cao được nhiều địa phương trong cả nước, nhất là vùng ÐBSCL tập trung gieo trồng, chăm sóc và cho thu hoạch với năng suất cao. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước gieo trồng 4,98 triệu héc-ta lúa, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2022, do nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha so với năm 2022; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 22,8 triệu tấn, trong đó vụ đông xuân 2022-2023 gần 20 triệu tấn, tăng 1,2% so với đông xuân 2021-2022.

Tại TP Cần Thơ sản xuất nông nghiệp ổn định, thời tiết thuận lợi, tình hình giá lúa đang có xu hướng tăng do nhu cầu xuất khẩu; tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, không xảy ra dịch bệnh, sản lượng thu hoạch thủy sản tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 2,25% (kế hoạch năm 2,2-2,5%), đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế thành phố. Lúa là sản phẩm sản xuất đạt giá trị cao, với tổng diện tích lúa xuống giống 169.848ha, đạt 83% kế hoạch năm. Tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và các giống thơm đặc sản trên 90%. Cụ thể, vụ lúa đông xuân 2022-2023 thành phố đã xuống giống 75.028ha, vượt 1,13% kế hoạch, giảm 1% so cùng kỳ 2022. Lúa thu hoạch với tổng sản lượng đạt 559.752 tấn, vượt 8,9% so kế hoạch. Vụ hè thu xuống giống 72.956ha, vượt 4% kế hoạch, giảm 1% so cùng kỳ năm 2022. Ðến nay lúa hè thu đã thu hoạch 33.584ha, năng suất ước đạt 5,68 tấn/ha. Vụ thu đông toàn thành phố đã xuống giống trên 55.200ha, đạt 92% kế hoạch. Lúa đang giai đoạn mạ và phát triển tốt. Dự kiến diện tích lúa thu đông sẽ xuống giống dứt điểm trong giữa tháng 7 này.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Vụ lúa thu đông này, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Vì nông dân tham gia cánh đồng lớn được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến; trong các vụ lúa đều có trên 40% diện tích thực hiện cánh đồng lớn được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 50-150 đồng/kg đối với lúa hàng hóa và 500-700 đồng/kg đối với lúa giống. Bên cạnh đó, Công ty Nông nghiệp Cờ Ðỏ hợp đồng bao tiêu diện tích 5.291ha tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ và Công ty Nông trường sông Hậu hợp đồng bao tiêu 1.380ha. Diện tích lúa được bao tiêu từ mô hình cánh đồng lớn đang có xu hướng tăng cao thời gian tới, riêng 6 tháng đầu năm toàn thành phố đã thực hiện được 140 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 35.685ha cho hiệu quả sản xuất khá cao…”. 

Nỗ lực

Theo Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn còn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất ở nhiều địa phương…

Những yếu tố trên sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2023, các địa phương điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa. Chỉ đạo sản xuất lúa vụ hè thu, vụ thu đông và vụ mùa phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Với các loại rau, màu do có thời gian sinh trưởng ngắn, căn cứ vào tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp. Theo dõi sát sản xuất cây ăn trái, đặc biệt đối với cây ăn trái chủ lực như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm ở ÐBSCL để có chỉ đạo rải vụ phù hợp, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP). Rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có thị trường thuận lợi, đặc biệt là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường...

Ðể chăm sóc và bảo vệ tốt lúa thu đông 2023, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương trên địa bàn thành phố quan tâm hướng dẫn, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên. Chú ý theo dõi chặt chẽ tình hình rầy nâu di trú ngoài đồng và các loại dịch hại để có biện pháp phòng trị kịp thời và bón lót phân lân ngay từ đầu vụ để hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Bên cạnh đó, để thu hoạch tốt các diện tích lúa vụ hè thu còn lại trong điều kiện thời tiết nhiều mưa, cần chủ động liên hệ các phương tiện gặt đập và thương lái để kịp tiến độ thu hoạch, hạn chế thất thoát.

Ông Trần Thái Nghiêm nhấn mạnh: “Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành Nông nghiệp thành phố tập trung triển khai hiệu quả các kế hoạch, các chính sách liên quan để thực hiện hiệu quả chiến lược tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị của từng ngành hàng gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, chương trình OCOP ở địa phương. Tổ chức sản xuất đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023, trong đó tập trung chỉ đạo thu hoạch dứt điểm lúa hè thu; chăm sóc lúa thu đông, phát triển rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, chăn nuôi, thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất trong 6 tháng cuối
năm 2023”.

Chia sẻ bài viết