07/11/2023 - 11:09

Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Trước tình hình lúa gạo tăng trưởng nóng thời gian gần đây, tại hội thảo thường niên “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” mới đây, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý cùng nhận diện thị trường lúa gạo năm 2023-2024. Ðồng thời, đưa ra các giải pháp giảm thất thoát trong thu hoạch lúa, nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận cho nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.

Thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang.

Thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang. 

Giá gạo tăng cao chưa hẳn là lợi thế

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 10-2023 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10-2022. Ước 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên dưới 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Về giá xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1-11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá
488 USD/tấn.

Thời gian qua, thị trường lúa, gạo trải qua nhiều biến động, giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế. Ông Ðỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, cho biết: “Trước tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay, dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực tài chính yếu. Ðối với những trường hợp là doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Ðây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao. Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên một chút thì họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Mặt khác, khi giá gạo Việt Nam lên quá cao, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (DT8, OM 5451…) vào tay doanh nghiệp Thái Lan vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh so với giá gạo thơm Việt Nam”.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty lương thực Phương Ðông, chia sẻ: “Chúng ta đừng tự mãn khi giá gạo tăng cao. Giá gạo cao đỉnh điểm như hiện nay tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Hiện các doanh nghiệp không dám trữ hàng nếu chưa có hợp đồng vì lo ngại Ấn Ðộ quay lại thị trường xuất khẩu, giá gạo sẽ lao dốc nhanh. Cá nhân tôi cho rằng, giá lúa gạo nên ở mức bình ổn là tốt nhất. Nghĩa là giá bán lúa của nông dân và giá xuất khẩu gạo nên hài hòa, hợp lý, không quá cao cũng không quá thấp. Ngành lúa gạo mấy năm nay không phải giải cứu là vì giá gạo của chúng ta hợp lý chứ không phải giá cao. Và cũng nhờ giá hợp lý mà 5-6 năm nay, chúng ta lấy được 3,5 triệu tấn gạo từ 3 thị trường lớn”.

Để ngành lúa gạo đi đường dài

Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng Công ty AgroMonitor (chuyên nghiên cứu thị trường), năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng đạt 8 triệu tấn. Như vậy, sang năm 2024 tồn kho sẽ rất ít nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ đối mặt rủi ro như năm nay, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá gạo lên cao lại gặp khó khăn để hoàn thành hợp đồng. Các chuyên gia khuyến cáo, để hoạt động xuất khẩu gạo năm 2024 thuận lợi, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa vì nguồn cung hạn hẹp. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo để hỗ trợ cho doanh nghiệp được tốt hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng những cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thông tin về những chính sách, định hướng thị trường. Theo đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, tập trung vào 4 vấn đề. Thứ nhất, chế tài với thương nhân tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu gạo. Qua đó giúp cho những doanh nghiệp tâm huyết, làm ăn chân chính cạnh tranh công bằng hơn, thực chất hơn, ngược lại sẽ bị xử phạt theo chế tài quy định. Thứ hai, là điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo liên quan đến hoạt động liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện ngành Công Thương đang nghiên cứu xem xét các lợi ích hài hòa giữa nông dân, doanh nghiệp. Thứ ba, liên quan xúc tiến thương mại, cơ chế thị trường. Bộ Công Thương xây dựng khung giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường đối tác, ổn định bền vững, thông thoáng hơn. Và cuối cùng, doanh nghiệp hiện nay phải hướng đến sản xuất xanh, sạch đáp ứng xu thế tiêu dùng mới.

Mặc dù lượng và giá trị xuất khẩu gạo tăng so với các năm trước, chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao cùng với áp lực cạnh tranh trên thị trường khiến các nhà cung ứng gạo xuất khẩu/nhà xuất khẩu cần phải hết sức cẩn trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để đảm bảo lợi nhuận. Ðể ngành lúa gạo đi đường dài một trong những yếu tố quyết định đối với hiệu quả hoạt động/chi phí của nhà sản xuất chính là giảm thất thoát gạo và tối ưu các chi phí trong quá trình chế biến lúa gạo. Theo ông Jens Vinther Jensen, Giám đốc điều hành FFT, sử dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp giảm thất thoát chất lượng gạo như sử dụng công nghệ sấy hiện đại và bảo quản trong silo với môi trường được kiểm soát, hệ thống bảo quản thời gian dài sẽ vẫn giữ được chất lượng gạo ở mức tốt nhất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng như thế giới quan hiện nay là an toàn thực phẩm, vì vậy, kiểm soát toàn chuỗi sản xuất từ cánh đồng tới bàn ăn theo tiêu chuẩn và thực hành nông nghiệp tốt là rất cần thiết, ứng dụng công nghệ AI để kiểm soát được quy trình sản xuất lúa gạo đang là giải pháp được quan tâm hiện nay.

Chia sẻ bài viết