27/02/2020 - 09:44

Nâng cao chất lượng dịch vụ công 

Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ đã có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Nổi bật là công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị, đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Cán bộ, viên chức Trung tâm DVVL TP Cần Thơ tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho người lao động. Ảnh: Phương Mai

Vì sự hài lòng của người dân

Là đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ về nghề nghiệp, việc làm cho người lao động, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm DVVL thành phố thực hiện 9 TTHC về bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là các thủ tục về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, giải quyết hỗ trợ học nghề, thông báo tìm việc làm hằng tháng. Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm DVVL thành phố, cho biết: “Cùng với việc thực hiện báo cáo số liệu giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Một cửa điện tử đối với các thủ tục trên, Trung tâm còn tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức bằng các hình thức: niêm yết mẫu nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; bố trí thùng thư góp ý; treo bảng “đường dây nóng” gồm số điện thoại và địa chỉ hộp thư điện tử của người phụ trách tại các điểm tiếp nhận”. Đồng thời, Trung tâm đã bố trí phòng Tiếp công dân để lãnh đạo đơn vị trực tiếp trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân.

Bên cạnh đó, Trung tâm duy trì mô hình “Một điểm đến” nhằm tư vấn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả, giúp người lao động không phải đi đến nhiều nơi để giải quyết hồ sơ. Kết quả, các hồ sơ của tổ chức, công dân đều được đơn vị giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn. Chị Võ Thị Huỳnh Giao, ở khu vực 5, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, chia sẻ: “Biết được thông tin một công ty giày đang tuyển công nhân, tôi đến Trung tâm để được tư vấn, xin việc làm. Ở đây, khu vực chờ khang trang, sạch đẹp. Cán bộ, viên chức nói chuyện hòa nhã và tận tình hướng dẫn, tư vấn các thủ tục, làm tôi rất hài lòng”. Chị Giao cũng rất ấn tượng và thoải mái khi khu vực ngồi chờ có kệ sách, báo, các tờ rơi tuyên truyền về thủ tục hành chính và cả tủ sạc điện thoại rất tiện nghi. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, khi thực hiện các thủ tục, người lao động cũng không cần viết tay, mà tất cả đều được thực hiện theo phương thức “một máy tính - hai màn hình”. Cụ thể, thông tin của người lao động được viên chức của Trung tâm nhập vào cơ sở dữ liệu ngay lúc tư vấn, góp phần tiết kiệm thời gian, tạo sự chuyên nghiệp trong công tác lưu trữ.

Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ: www.vieclamcantho.vn, đến nay đã đạt hơn 18 triệu lượt truy cập. Đây cũng là công cụ để Trung tâm cung cấp thông tin và phục vụ nhu cầu của tổ chức, công dân. Trung tâm quản lý thông tin của doanh nghiệp, ứng viên, đối tượng bảo hiểm thất nghiệp qua cổng thông tin. Các ứng viên có thể đăng ký thông tin tìm việc, học nghề trên cổng thông tin. Với hình thức này, khi cần, chỉ truy xuất số định danh, thông tin sẽ chính xác và nhanh chóng.

Nhiều mô hình, sáng kiến

Nhằm đẩy mạnh CCHC, hằng năm, Trung tâm DVVL thành phố đều phát động phong trào thi đua gắn với thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu được cấp trên giao. Qua đó, cán bộ, viên chức và người lao động đã đề xuất đưa vào thực hiện nhiều sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Điển hình như chị Phan Thị Thùy Linh, Phó Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ khách hàng, với sáng kiến “Đa dạng hóa hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối việc làm cho lao động”. Đây cũng là sáng kiến đạt giải Ba tại Hội thi sáng kiến về CCHC trong cán bộ, công chức, viên chức trẻ năm 2019, do UBND TP Cần Thơ phát động. Chia sẻ về sáng kiến, chị Linh cho biết, thời gian qua, tình hình cung - cầu lao động còn nhiều điểm bất cập. Cụ thể là nhu cầu tìm việc của người dân và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đều cao nhưng “chưa gặp nhau”. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, vì vậy người lao động chưa nắm bắt thông tin kịp thời. Từ thực trạng đó, chị đã đề xuất sáng kiến trên với chuỗi hoạt động tuyên truyền, như: “Cà phê việc làm”, tổ chức 20 điểm tư vấn việc làm ở địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giải đáp thắc mắc của người lao động trên các trang mạng xã hội và tăng cường phối hợp với các trường đại học trên địa bàn thành phố tổ chức ngày hội tuyển dụng lao động.

Kết quả, trong năm 2019, mô hình “Cà phê việc làm” đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp và tập huấn kỹ năng tìm việc cho hơn 530 người. Ngày hội tuyển dụng lao động ở các trường đại học cũng thu hút hơn 6.000 bạn trẻ… Ngoài ra, Trung tâm còn áp dụng nhiều sáng kiến thiết thực, như: phát triển ứng dụng “Việc làm Cần Thơ” trên điện thoại thông minh, cập nhật được các thông tin tuyển dụng và việc làm; đưa vào hoạt động và duy trì Tổng đài tư vấn qua điện thoại 3838399, giúp khách hàng không cần đến Trung tâm vẫn được tư vấn, giải đáp các nội dung cần thiết. Đồng thời, người dân có thể đánh giá sự hài lòng đối với dịch vụ công thông qua phần mềm khảo sát mức độ hài lòng được Trung tâm đưa vào thực hiện từ năm 2018; qua đó góp ý, cải thiện các tiện ích và thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức và người lao động tại đơn vị.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công, lãnh đạo đơn vị và các đoàn thể của Trung tâm phát huy tinh thần tự kiểm tra, giám sát, tuyên truyền và nhắc nhở cán bộ, viên chức, người lao động chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị. Qua đó, góp phần xây dựng bộ máy ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

 

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết