Bài 2: Mức sinh thấp và dân số già
Tỷ lệ sinh của TP Cần Thơ hiện là 1,73 con/phụ nữ, thuộc nhóm các tỉnh, thành có mức sinh thấp trong cả nước. Ðồng thời, Cần Thơ lại đối mặt với một nguy cơ khác là tốc độ già hóa dân số nhanh chóng. Bên cạnh đó, các vấn đề về tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn… ảnh hưởng đến chiến lược phát triển cơ cấu dân số hợp lý của thành phố.
Ðội ngũ cộng tác viên dân số thành phố chú trọng tuyên truyền về mức sinh thấp và hệ lụy dân số già. Ảnh: T. SƯƠNG
Kết hôn muộn, ngại sinh con
Anh Thành Công và chị Ánh Dương cùng quê, đến Cần Thơ học đại học. Sau khi ra trường, cả hai trụ lại Cần Thơ lập nghiệp, trầy trật mấy năm mới ổn định công việc. Gia đình 2 bên hối thúc, anh chị kết hôn ở độ tuổi gần 30. Tuy nhiên, cưới xong, 2 vợ chồng đắn đo thời điểm thích hợp để sinh con đầu lòng. Chị Dương là nhân viên văn phòng, còn anh Công thì thường xuyên đi công trình ở xa, cả hai vẫn ở nhà trọ, cha mẹ hai bên ở quê, già yếu. Bởi vậy họ lo lắng nếu sinh con thì chị Dương phải nghỉ làm, đồng lương của chồng không đủ xoay sở. Tính đến tương lai, con cái, nhà cửa 2 vợ chồng ngao ngán…
Ðó là câu chuyện chung của rất nhiều vợ chồng trẻ hiện nay. Bà Huỳnh Hải Yến, Trưởng Phòng Dân số quận Bình Thủy, kể: Trong những cuộc tuyên truyền cho đội ngũ giáo viên về chính sách dân số, bà ghi nhận nhiều trường hợp giáo viên chỉ sinh 1 con. Không riêng giới trí thức, nhiều thành phần lao động khác, từ thành thị tới nông thôn, gia đình có kinh tế khấm khá đến hộ có thu nhập thấp, đều ngại sinh. Nguyên nhân khác, do bận rộn công việc, một số phụ nữ muốn dành nhiều thời gian cho bản thân hơn nên không muốn sinh nhiều con, thậm chí không lấy chồng, chỉ kiếm một đứa con để nuôi. Ngoài ra, yếu tố về kinh tế rất quan trọng, bởi chi phí để nuôi nấng một đứa trẻ từ trong bào thai đến khi trưởng thành rất lớn. Khi cán bộ dân số vận động người dân sinh đủ 2 con, nhiều cặp vợ chồng đã thẳng thắn chia sẻ, họ ngại sinh con thứ hai vì áp lực kinh tế, việc làm và nhà ở.
Cần Thơ hiện có mức sinh là 1,73 con/phụ nữ, chưa đạt mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ. Theo thống kê của Cục Dân số, Cần Thơ là một trong những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước. Năm 2016: 2,01 con; năm 2017: 1,64 con; năm 2018: 1,66 con; năm 2019: 1,66 con; năm 2020: 1,74 con; năm 2021: 1,68 con. Ghi nhận của Chi cục Dân số thành phố, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, các cặp vợ chồng trẻ sinh 1 con đang có xu hướng gia tăng. Khoảng cách giữa 2 lần sinh kéo dài từ 10-12 năm cũng tăng. Thực trạng này ảnh hưởng đến tỷ suất sinh thấp, dẫn đến tốc độ già hóa dân số của thành phố diễn ra nhanh chóng.
Mức sinh thấp không phải câu chuyện mới mà là bi kịch của nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo Cục Dân số, không ít quốc gia đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh thấp về mức thay thế. Vì thế, Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng sẽ đối mặt với rất nhiều hệ lụy trong tương lai từ xu hướng giảm sinh.
BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) TP Cần Thơ, cho biết: Tỷ lệ sinh ở Cần Thơ hiện nay ở mức 1,73 con, là ở mức rất thấp, trong khi chủ trương khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Trên thực tế, ngày nay nhiều người chọn lối sống độc thân, kết hôn muộn, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn tăng, nhiều gia đình ngại sinh con, chỉ sinh một con hoặc không sinh con...
“Cơn bão” già hóa và những thách thức mới
Nhiều năm nay, cô Nguyễn Thị Lệ (67 tuổi) ngụ phường An Phú, quận Ninh Kiều sống chung với các căn bệnh cao huyết áp, đái tháo đường. Cô lại còn mắc bệnh đau nhức xương khớp mỗi khi trái gió trở trời. Trong chương trình khám chữa bệnh miễn phí do Bệnh viện Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức, cô còn được bác sĩ chẩn đoán tình trạng gan nhiễm mỡ và bệnh đục thủy tinh thể. Cô kể, uống thuốc mỗi ngày còn nhiều hơn ăn, chi phí tốn kém mà sức khỏe cứ rề rà, tiền thuốc thang phải nhờ con cái phụ giúp.
BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi ở quận Ninh Kiều. Ảnh: T. SƯƠNG
Ðó là câu chuyện chung về người cao tuổi ở nước ta hiện nay. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Ðáng lo ngại hơn, người cao tuổi hiện nay phải chịu nhiều gánh nặng bệnh tật. Theo thống kê, mỗi cụ đều mắc đồng thời 2 bệnh mạn tính trở lên. Ở Cần Thơ, theo thống kê năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ người cao tuổi và tốc độ già hóa dân số của thành phố đều vượt hơn trung bình chung của cả nước. Mặc dù thành phố có nhiều chính sách quan tâm người cao tuổi nhưng nguồn lực chăm sóc y tế và an sinh cho người cao tuổi còn hạn hẹp. Hệ thống y tế Cần Thơ phát triển mạnh nhưng đến nay vẫn chưa có bệnh viện chuyên lão khoa, đơn vị điều trị bệnh cho người già thường lồng ghép ở các khoa khác của bệnh viện đa khoa. Toàn thành phố chỉ có vài trung tâm nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa, phục vụ số ít các cụ neo đơn, bệnh tật.
Cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh, ngành dân số Cần Thơ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khác. Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ TP Cần Thơ, từ năm 2021, Trung ương không còn cấp kinh phí cho chương trình dân số mà giao về địa phương bố trí. Trong khi đó, nguồn lực của Cần Thơ cho công tác dân số còn nhiều hạn chế, nhất là nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra trong tình hình mới. Từ năm 2020 đến nay, kinh phí cấp cho công tác dân số chỉ khoảng 10% so với kế hoạch được phê duyệt. Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, thù lao cộng tác viên quá thấp, trong khi phụ trách nhiều công việc cũng ảnh hưởng chất lượng hoạt động.
Ông Trần Văn Toàn, Phó trưởng Phòng Dân số quận Ninh Kiều, cho biết trước đây mỗi năm, dịp kỷ niệm Ngày Dân số thế giới hay Ngày Dân số Việt Nam, ngành dân số quận đều tổ chức họp mặt đội ngũ cán bộ, cộng tác viên để tổng kết hoạt động chuyên môn, đồng thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân tiêu biểu. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động này không còn. Do kinh phí eo hẹp, chi phí hỗ trợ đi lại, nước uống cho các cô chú cộng tác viên họp nhóm, vãng gia cũng bị cắt. Các mô hình được cấp kinh phí triển khai thực hiện thí điểm, sau đó ngừng cấp kinh phí nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì và nhân rộng nên gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, tổ chức bộ máy quản lý công tác dân số thiếu ổn định. Ðội ngũ cộng tác viên làm công tác này còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi, số mới tuyển dụng chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Theo quy định mới từ năm 2021, cộng tác viên dân số phải có trình độ học vấn từ tốt nghiệp THCS trở lên. Nhiều địa phương chật vật tìm nguồn lực thay thế. Trong giai đoạn chuyển đổi số y tế, ngành dân số cũng phải bắt nhịp, số hóa kho dữ liệu trong khi điều kiện trang thiết bị của tuyến cơ sở còn hạn chế. Công tác tuyên truyền vận động ở một số nơi chưa được ban ngành đoàn thể phối hợp nhịp nhàng.
Bà Huỳnh Hải Yến, Trưởng Phòng Dân số - KHHGÐ quận Bình Thủy chia sẻ, bà rất tâm huyết với công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe giới tính cho trẻ vị thành niên - thanh niên ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua do kinh phí cho dân số bị cắt giảm nên một số nhà trường không mặn mà phối hợp.
* * *
Từ những thách thức của thực trạng dân số hiện nay, Cần Thơ đã triển khai kịp thời và mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm cân bằng cơ cấu dân số hợp lý, thích ứng với xu hướng già hóa, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng dân số.
(Còn tiếp)
----------
Bài cuối: Ðầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển