23/12/2023 - 18:23

KỶ NIỆM NGÀY DÂN SỐ VIỆT NAM 26-12

Nâng cao chất lượng dân số
Bài 1: TỪ “ĐÔNG CON” ĐẾN “ĐỦ HAI CON” 

NGỌC YẾN - THU SƯƠNG


Những năm gần đây, chính sách dân số nước ta đã chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện chủ trương đó, TP Cần Thơ triển khai hàng loạt chương trình, đề án góp phần điều chỉnh cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số. Bên cạnh những kết quả khả quan, thực trạng dân số thành phố vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị đến cộng đồng cùng chung tay, góp sức, vì sự phát triển bền vững của thành phố.

 

Gia đình đông con, nghèo khó từng là nỗi ám ảnh của nước ta trong giai đoạn bùng nổ dân số. Khi đó đội ngũ cán bộ, cộng tác viên toàn thành phố kiên trì “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ, từng bước giúp thành phố đạt mức sinh hợp lý. Nhờ vậy, các gia đình có điều kiện chăm lo cho con cái, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

“Kế hoạch hóa” có quà!

Cô Phạm Thị Giang (60 tuổi), cộng tác viên dân số phường An Bình, quận Ninh Kiều, đã gắn bó với công tác dân số gần 40 năm. Trước khi bén duyên với công việc này, cô Giang chỉ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc 2 con nhỏ. Một lần nọ, cán bộ y tế đến cộng đồng tiêm ngừa cho trẻ, nhờ cô đến các hộ vận động cha mẹ đưa trẻ đến điểm tiêm. Từ sự kết nối của cán bộ trạm y tế, cô Giang dần trở thành “cánh tay nối dài” của ngành dân số.

Cô Giang kể, hồi đó vui lắm, chiến dịch dân số mỗi năm 2 lần, rất rầm rộ. Chính quyền ban ngành đoàn thể, ngành y tế huy động thêm nguồn lực xã hội tổ chức chiến dịch. Chị em trong độ tuổi sinh sản được thăm khám phụ khoa, cấp thuốc điều trị miễn phí, còn được tặng quà. Cô Giang nhớ nhất là những trường hợp đình sản, cộng tác viên dân số và cán bộ y tế phải luân phiên nhau, người thì đưa chị em vào viện, người thì ở nhà chăm sóc đàn con nhỏ của đối tượng. Nhiều gia đình khó khăn, cộng tác viên dân số, chính quyền, đoàn thể thường xuyên tới lui, lúc thì tặng gạo, lúc cung cấp thuốc men. Nhiều hộ sau khi đình sản còn được hỗ trợ sửa chữa nhà hay cất mới, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cô Nguyễn Kim Tím, cộng tác viên dân số ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ (ở giữa) tuyên truyền tại cộng đồng. Ảnh: T SƯƠNG

Đến ấp Đông Phước, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ nhắc đến công tác vận động KHHGĐ là mọi người nghĩ ngay đến “kiện tướng đình sản” Nguyễn Kim Tím vì cô Tím từng vinh dự đi Thủ đô Hà Nội nhận bằng khen của Chủ tịch nước. Cô Tím tâm sự, món quà thực sự lớn nhất trong công tác dân số của cô không phải là những bằng khen mà là sự tin yêu của chị em ở địa phương. Ngày trước, phụ nữ nông thôn thiếu thốn điều kiện chăm sóc sức khỏe, thường chịu đựng những căn bệnh phụ khoa kéo dài, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Cô Tím chỉ dẫn họ đến trạm y tế khám, điều trị. Nhiều chị hết bệnh, truyền tai nhau có vấn đề gì thì kiếm cô Tím, cô luôn sẵn lòng giúp đỡ, không nề hà. Dần dần cô Tím trở thành người bạn đồng hành, tin cậy của chị em vùng này. Cô Tím thuộc nằm lòng các hộ dân nơi đây. Cô ghi chép cẩn thận tên chủ hộ, các thành viên, lưu ý nhà nào có con nhỏ, người già…

Cô Giang, cô Tím là 2 trong gần 2.000 cộng tác viên đã đóng góp tích cực cho sự thành công của ngành dân số thành phố. 

Gia đình 2 con ấm no, hạnh phúc

Vợ chồng anh Trương Văn Tâm (42 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kiều Loan (39 tuổi) ở khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn vừa mới thu hoạch vụ nhãn được hơn 100 triệu đồng. Vườn sầu riêng của anh chị đã 3 năm tuổi cũng sắp cho trái. Anh Tâm rất đỗi siêng năng, hết công việc ruộng vườn nhà, anh còn tranh thủ đi cưa cây, làm cỏ mướn. Còn chị Loan lo cơm nước và nuôi dạy 2 con. Các con đều chăm ngoan, học giỏi. Con trai lớn hiện học lớp 9, là học sinh giỏi cấp thành phố; con gái nhỏ học lớp 3, năm nào cũng nhận giấy khen học sinh xuất sắc.

Ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ dân số phường Trường Lạc, quận Ô Môn thăm hỏi người dân trong khu vực. Ảnh: T SƯƠNG

Chị Loan kể, chị dang dở giấc mơ đại học do gia đình đông anh em, phải sớm ra đời kiếm sống. Bởi vậy, khi lập gia đình, vợ chồng chị quyết định chỉ sinh 2 con để đủ điều kiện chăm lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Chị Loan vui vẻ cho biết, chị vừa mới đặt que cấy tránh thai, chi phí hết 2,2 triệu đồng. Trong chiến dịch truyền thông dân số của phường, Trạm Y tế cũng hỗ trợ que cấy nhưng chị nghĩ mình có điều kiện thì tự chi trả, nhường phần hỗ trợ cho chị em khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhất, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Trường Hòa kiêm nhiệm cộng tác viên dân số, cho biết gia đình anh Tâm và chị Loan là gia đình gương mẫu tiêu biểu, chí thú làm ăn. Ông Nhất tự hào chia sẻ, khu vực của ông có rất nhiều hộ như thế và không còn hộ nghèo, kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi trong công tác tuyên truyền và thực hiện các chương trình, mô hình về dân số. Trong các cuộc họp của địa phương hay quá trình vãng gia, ông Nhất thường lồng ghép các nội dung về nâng cao chất lượng dân số như các cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, vận động đối tượng tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Theo ông Nhất trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao nên việc tuyên truyền cũng dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Văn Chính, cán bộ chuyên trách dân số phường Trường Lạc, quận Ô Môn cho biết, ông “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn đội ngũ cộng tác viên có tâm, nhiệt tình. Hầu hết cộng tác viên của phường Trường Lạc đều là bí thư, trưởng khu vực, cán bộ ở các hội đoàn thể kiêm nhiệm. Theo ông Chính, lợi thế của đội ngũ này là sâu sát cộng đồng. Nhờ đội ngũ cộng tác viên, nhiều năm qua Trường Lạc luôn dẫn đầu thành tích dân số ở quận. Năm 2023, Trường Lạc là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng thành công mô hình sinh đủ 2 con. Các mô hình, đề án khác Trường Lạc đều duy trì, triển khai đạt hiệu quả.

Năm 2017, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 30/CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về công tác dân số trong tình hình mới”. Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Nghị quyết 21-NQ/TW góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, giúp hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về dân số. Năm 2020, Cần Thơ cũng đã ban hành kế hoạch điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030. Hằng năm, thành phố đều phê duyệt kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu y tế - dân số. Đồng thời, ngành dân số đẩy mạnh đổi mới các nội dung tuyên truyền vận động góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về dân số và phát triển. Ngoài ra, ngành dân số cũng kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cộng tác viên đảm đương các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Những thành tựu nổi bật của công tác dân số TP Cần Thơ:

- Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Từ năm 2008, Cần Thơ bước vào thời kỳ dân số vàng. Số người trong độ tuổi lao động hiện chiếm trên 68% dân số, yếu tố quyết định giúp thành phố phát triển bền vững.

- Chất lượng dân số Cần Thơ được cải thiện về nhiều mặt. Năm 2022, tuổi thọ trung bình đạt 75,7 tuổi.

- Đến tháng 11-2023, hơn 58% thai phụ được sàng lọc trước sinh, hơn 88% trẻ sơ sinh được sàng lọc.

- Nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng về dân số được phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác truyền thông về dân số đi vào chiều sâu, đa dạng hình thức.

- Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được kiểm soát, với tỷ lệ 105-107 bé trai/100 bé gái từ năm 2012 đến nay.

- Tỷ suất sinh từ 1,68 năm 2021 lên 1,73 con năm 2022. Đến năm 2023 Cần Thơ có 36 xã, phường xây dựng mô hình sinh đủ 2 con.

- Đề án tư vấn và chăm sóc người cao tuổi được triển khai thực hiện tại tất cả 83 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn thành phố.

(Còn tiếp)

-------------

Bài 2: Mức sinh thấp và dân số già

Chia sẻ bài viết