21/03/2021 - 05:44

Mỹ - Trung lại chỏi nhau tại Liên Hiệp Quốc 

Sau màn đấu khẩu dữ dội giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska,  đến lượt đại diện ngoại giao 2 nước chỏi nhau trong cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc.

Nhân quyền và phân biệt chủng tộc

Mỹ - Trung vừa trải qua những ngày căng thẳng ngoại giao trực diện. Ảnh: BS

Mỹ - Trung vừa trải qua những ngày căng thẳng ngoại giao trực diện. Ảnh: BS

Trong bài phát biểu hôm 19-3, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield, một người da màu, nói: “Phân biệt chủng tộc đã và đang tiếp tục là một thách thức hàng ngày, bất kể chúng ta đang ở đâu. Đối với hàng triệu người, phân biệt chủng tộc còn hơn cả một thách thức, thậm chí gây chết người”. “Như Myanmar, nơi người Rohingya và những người khác bị áp bức, lạm dụng và bị giết hại với con số đáng kinh ngạc. Hay tại Trung Quốc, nơi chính phủ đã thực hiện diệt chủng và tội ác chống loài  người đối với người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương”, bà Thomas-Greenfield dẫn chứng.

Tuy nhiên, bà Thomas-Greenfield thừa nhận chính bà là hậu duệ của một nô lệ và chính bà cũng có những trải nghiệm về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, chẳng hạn bà bị kỳ thị lúc còn làm một người giữ trẻ trước đây. “Nô lệ là tội lỗi nguyên thủy của nước Mỹ.  Da trắng thượng đẳng và da đen cấp thấp được đưa vào trong các văn kiện và nguyên tắc sáng lập của chúng ta”, lời phát biểu thẳng thắn bất thường của bà Thomas-Greenfield về lịch sử phân biệt chủng tộc của nước Mỹ.  Đại sứ Mỹ cũng không ngại dẫn báo cáo của Cục Điều tra Liên bang (FBI) về sự gia tăng hận thù sắc tộc trong hơn 3 năm qua tại Mỹ và trên thực tế vừa đạt mức chưa từng thấy trong vòng 1 thập niên qua, đặc biệt xảy ra đối với người Mỹ Latinh, Hồi giáo và dân nhập cư. “Vụ xả súng hàng loạt tại Atlanta chỉ là thí dụ mới nhất cho sự kinh hoàng này”, bà Thomas-Greenfield đề cập vụ một tay súng da trắng xả súng điên cuồng tại thành phố Atlanta, thủ phủ của tiểu bang Georgia hôm 16-3 làm chết 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc châu Á. “Chúng tôi có những sai sót sâu sắc và nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi công khai nói về những sai sót và nỗ lực tìm cách giải quyết”, bà Thomas-Greenfield tuyên bố.

Sau bài phát biểu của bà Thomas-Greenfield, ông Dai Bing - phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ dù không có trong danh sách diễn giả ban đầu vẫn lên sàn gần cuối buổi lễ để đáp trả. Ông Dai nói rằng  bà Thomas-Greenfield, một người gốc Phi, “là một trường hợp ngoại lệ đã thừa nhận hồ sơ nhân quyền nhục nhã của Mỹ, nhưng điều đó không mang lại cho nước này giấy phép lên ngựa cao và bảo các nước khác phải làm gì”. “Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến nhân quyền, họ nên giải quyết các vấn đề sâu xa của vấn nạn phân biệt chủng tộc, bất công xã hội và sự tàn bạo của cảnh sát ngay trên chính đất nước của họ”, ông Dai nói trước Đại Hội đồng LHQ bao gồm 193 thành viên. Ông cho rằng cáo buộc diệt chủng và tội ác chống loài người nhằm vào Trung Quốc mà bà Thomas-Greenfield đưa ra có động cơ chính trị và gọi đó là hành động “tung tin đồn xuyên suốt, lời nói dối trần trụi”. Ông Dai tố Mỹ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và rằng “dối trá chỉ là dối trá, sự thật cuối cùng sẽ thắng thế”. Cuối cùng, ông Dai có vài lời khuyên cho nước Mỹ: Hãy bỏ đi định kiến tư tưởng; ngừng sử dụng nhân quyền cho mục đích chính trị, kích động đối đầu chính trị và phá vỡ hợp tác quốc tế về nhân quyền; chấm dứt tình trạng liên tục xảy ra các vụ phân biệt đối xử, thù hận và thậm chí giết hại dã man những người gốc Phi và gốc Á; nỗ lực nhiều hơn bằng hành động thiết thực và xây dựng nhằm phục vụ sự nghiệp nhân quyền quốc tế tốt hơn.

Cuộc đấu đối đầu giữa 2 nhà ngoại giao Mỹ - Trung tại LHQ diễn ra ngay sau cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa các quan chức 2 nước tại cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên ở bang Alaska kể từ khi ông Joe Biden  trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 1. Điều này báo hiệu tương lai quan hệ không có gì sáng sủa hơn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau kỷ nguyên Tổng thống Donald Trump căng thẳng và tồi tệ.

Đối thoại không có đột phá

Cuộc đối thoại trực tiếp diễn ra trong 2 ngày tại  thành phố Anchorage, bang Alaska giữa các quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã kết thúc mà không đưa ra bất cứ tuyên bố mang tính đột phá nào. Tuy nhiên, phát biểu sau cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Mỹ và Trung Quốc có lợi ích đan xen về  Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nêu rõ: “Chúng tôi đã dự định có những cuộc thảo luận trực tiếp và mạnh mẽ về hàng loạt vấn đề và đó chính xác là những gì chúng tôi đã thực hiện”.

Trong khi đó,  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban  đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì thông báo cuộc đối thoại với Mỹ diễn ra thẳng thắn, xây dựng và có lợi, dù vẫn còn tồn đọng khác biệt giữa 2 bên. Ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh: “Hai bên nên tuân theo  theo chính sách "không xung đột" để định hướng con đường của 2 nước theo một quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai”. Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị thì nói với phía Mỹ rằng chủ quyền là vấn đề nguyên tắc của Trung Quốc và Washington đừng đánh giá thấp sự kiên định của Bắc Kinh về vấn đề này.

Trong thông báo sau cuộc đối thoại với Mỹ, phái đoàn Trung Quốc xác nhận 2 bên đã thống nhất thành lập nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết tăng cường liên lạc và hợp tác về lĩnh vực này. Hai bên cũng nhất trí trên tinh thần cuộc điện đàm giữa lãnh đạo 2 nước ngày 11-2, giới chức Trung Quốc và Mỹ sẽ duy trì đối thoại và liên lạc, thực hiện hợp tác đôi bên cùng có lợi, tránh sự hiểu lầm và đánh giá sai, cũng như xung đột và đối đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và lành mạnh của mối quan hệ song phương.

Thông báo nêu rõ 2 bên đã thảo luận về đại dịch COVID-19, những điều chỉnh chính sách đi lại và thị thực liên quan theo tình hình dịch bệnh. Các chủ đề khác được quan tâm còn bao gồm kinh tế và thương mại, quân sự, thực thi pháp luật, văn hóa và giao lưu nhân dân, y tế, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân Iran, Afghanistan, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và Myanmar. Hai bên nhất trí duy trì và tăng cường liên lạc cũng như phối hợp trong những vấn đề này.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết