15/02/2011 - 09:41

Trước làn sóng biểu tình lật đổ gia tăng khắp thế giới A-rập

Mỹ trấn an các nước đồng minh

Quân đội Ai Cập yêu cầu những người biểu tình còn lại ở Quảng trường Tahrir giải tán nếu không sẽ bị bắt giữ. Ảnh: AP

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với các nước đồng minh ở khu vực Trung Đông, trong bối cảnh biểu tình lật đổ gia tăng khắp thế giới A-rập, nhất là sau sự ra đi của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cuối tuần rồi.

Báo Mỹ USA Today ngày 14-2 cho biết Tổng thống Obama đã điện đàm với Quốc vương Abdullah II của Jordanie và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Edorgan. Phó Tổng thống Joe Biden thì gọi điện cho Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, Tiểu vương Al-Jaber Al-Sabah của Koweit và Thái tử Muhammad bin Zayid của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách đối ngoại William Burns đã tới Thủ đô Amman của Jordanie hôm 12-2, còn Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Michael Mullen có cuộc tiếp xúc với các quan chức Israel và Jordanie hôm 13-2. Ngoại trưởng Hillary Clinton trao đổi với Ngoại trưởng Ấn Độ M. Krishna và Tổng thống Hy Lạp George Papandreou về quan điểm hỗ trợ chuyển giao chính trị ở Ai Cập. Các quan chức hàng đầu khác của Mỹ cũng đã điện đàm với các lãnh đạo nhiều nước ở khu vực Nam Á, châu Âu và Trung Đông để tham vấn ý kiến và vạch ra lộ trình cho kế hoạch chung nhằm định hướng giai đoạn chuyển giao quyền lực chứa đựng nhiều nguy cơ bất ổn ở Ai Cập.

Washington đặc biệt quan tâm tới Jordanie bởi sức ép lên chính quyền Amman ngày càng tăng do giá cả hàng hóa tăng và nhiều quan chức bị cáo buộc tham nhũng dẫn tới sự phẫn nộ của dân chúng. Quốc vương Abdullah II đã thay thủ tướng hồi đầu tháng này và ra lệnh nhanh chóng hành động để cải tổ hệ thống chính trị và kinh tế đất nước. Mỹ đang giục Quốc vương Abdullah II có những bước đi rõ ràng để giải quyết sự bất bình của dân chúng, tránh nguy cơ sụp đổ như trường hợp của chính quyền Mubarak. Đô đốc Mullen cũng đã có gặp riêng với Quốc vương Abdullah II để tái khẳng định cam kết ủng hộ quân sự của Mỹ cho nước này.

Sau khi rời Jordanie, ông Mullen lập tức tới Israel, đồng minh cật ruột của Mỹ hiện lo sợ rằng chính quyền mới ở Ai Cập có thể không thân thiện với Israel như chính quyền Mubarak. Các nhà lãnh đạo quân sự Ai Cập đã cam kết tôn trọng hiệp ước hòa bình năm 1979 với Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak hôm 13-2 cũng cho rằng ông không lo ngại về mối quan hệ của Israel với Ai Cập vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, về dài hạn, ông Barak bày tỏ lo lắng về sự trỗi dậy của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập. Tổ chức này nổi tiếng chống Israel. Chuyến đi của ông Mullen là nhằm đảm bảo sự ủng hộ của Mỹ về an ninh đối với Israel và giải quyết những tác động từ Ai Cập đang lan ra khắp khu vực.

N. MINH
(Theo Washingtonpost, WSJ, NYT)

Hiện chẳng ai biết chính xác ông Mubarak đang ở đâu sau khi từ chức. Theo tuyên bố của các quan chức Mỹ và Ai Cập hôm 13-2, ông Mubarak vẫn ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh, trên bán đảo Sinai. Tuy nhiên, không có ai nhìn thấy ông xuất hiện ở đây. Có tin đồn ông Mubarak đã bị bệnh từ khi phẫu thuật túi mật ở Heidelber (Đức) tháng 3 năm ngoái và tạp chí Der Spiegel của Đức tuần rồi cho rằng ông đã trở lại một bệnh viện ở Đức. Cũng có người nói ông Mubarak thực tế đã đến Sharm el-Sheikh hôm 12-2, nhưng ngay sau đó lên máy bay tới Abu Dhabi (UAE), nghỉ đêm ở đây và tiếp tục tới Đức. Tuy nhiên, giới chức Đức bác bỏ tin này.


Chia sẻ bài viết