20/01/2022 - 09:53

Mỹ tìm biện pháp ngoại giao cho căng thẳng Ðông Âu 

MAI QUYÊN (Theo CBS News, NYT)

Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov vào cuối tuần này để thảo luận xem liệu có còn con đường ngoại giao nào giúp tránh xung đột ở Ðông Âu hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken (trái) và người đồng cấp Nga Lavrov. Ảnh: Getty Images

Đây là một phần lịch trình trong chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken tới Ukraine, Ðức và Thụy Sĩ. Ở chặng dừng chân đầu tiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba để củng cố cam kết của Washington với Kiev. Ông cũng gặp nhân viên Ðại sứ quán Mỹ nhằm chuẩn bị các kế hoạch phòng tình huống căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Tuần rồi, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Wiliam Burns cũng tới Ukraine để đánh giá “những rủi ro” đối với quốc gia Ðông Âu.

Tiếp đến, ông Blinken sẽ ghé thủ đô Berlin và thảo luận với giới chức Ðức cùng một số nhà ngoại giao Anh, Pháp về các cam kết gần đây với Nga; cũng như nỗ lực chung của đồng minh nhằm ngăn Mát-xcơ-va can dự vào Ukraine. Sau cùng là cuộc gặp với Ngoại trưởng Lavrov tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 21-1.

Lựa chọn của Nga

Cuộc gặp của Ngoại trưởng Nga - Mỹ được kỳ vọng giúp tìm ra giải pháp ngoại giao tháo gỡ căng thẳng ở Ðông Âu sau tiến trình đàm phán bế tắc giữa Mát-xcơ-va và phương Tây trước đó. Trong thông báo hôm 18-1, Nhà Trắng cho biết Ngoại trưởng Blinken sẽ thúc giục Mát-xcơ-va có hành động kịp thời nhằm hạ nhiệt căng thẳng trước tình hình “cực kỳ nguy hiểm” hiện nay, trong đó Nga bị cho có thể phát động tấn công Ukraine vào bất kỳ thời điểm nào. “Người Nga phải xác định con đường mà họ đi, nhưng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu Mát-xcơ-va từ bỏ giải pháp ngoại giao” - Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo. Ngoài nỗ lực thúc đẩy đối thoại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng thời cũng chuẩn bị các lựa chọn khác như trừng phạt kinh tế, nếu đàm phán không hiệu quả và Nga tiến hành “xâm lược” Ukraine.

Trong khi đó, giới quan sát nhận định việc Ngoại trưởng Lavrov chấp nhận tham gia cuộc họp với người đồng cấp Mỹ cho thấy Nga đã chuẩn bị cho ít nhất một vòng ngoại giao nữa. Hồi đầu tuần, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nga khẳng định nước này sẵn sàng tiếp tục đàm phán và điều mà họ chờ đợi nhất hiện nay là phản ứng từ Mỹ đối với những yêu cầu của Mát-xcơ-va về sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở Ðông Âu.

Ðây cũng là vấn đề hóc búa nhất khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc. Cách đây vài tuần, Nga đề nghị NATO cam kết không tiếp tục mở rộng về phía Ðông. Ðể tránh sa lầy vào các cuộc đàm phán kéo dài, Mát-xcơ-va đồng thời phát tín hiệu về khả năng triển khai những biện pháp “quân sự - kỹ thuật” không xác định để đảm bảo an ninh. Ðến nay, Mỹ và phương Tây vẫn bác bỏ đề nghị trên với cáo buộc Nga dùng NATO như “cái cớ” biện minh cho hành vi can thiệp quân sự vào Ukraine.

Mỹ lo Nga mở rộng triển khai vũ khí hạt nhân

Truyền thông phương Tây cho biết, Nga đang duy trì khoảng 100.000 quân gần biên giới Ukraine và bắt đầu bố trí các đơn vị phòng thủ ở Belarus trong nhiệm vụ tập trận chung. Bất chấp phủ nhận từ Mát-xcơ-va và Minsk, chính quyền Tổng thống Biden đã “nghiêm khắc cảnh báo” Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko không tạo cơ hội cho Nga tấn công Ukraine từ đất nước của ông dưới chiêu bài tập trận chung. Trong phát biểu gần đây, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ nhận định việc Nga di chuyển các lực lượng vào Belarus không phải “sự luân chuyển bình thường” mà nhằm “phô trương sức mạnh” theo kịch bản cho một cuộc tấn công quân sự.

Trước đó, các nhà phân tích và quan chức phương Tây dự đoán Ðiện Kremlin một khi từ bỏ giải pháp ngoại giao có thể thực hiện một loạt các biện pháp khôi phục phạm vi ảnh hưởng của Nga gần với các giới hạn thời Liên Xô, bao gồm định vị lại kho vũ khí tên lửa hạt nhân để gia tăng công cụ đe dọa trực tiếp Mỹ và Tây Âu. Trong đó, Belarus có thể là yếu tố quan trọng bởi Minsk hiện duy trì chính sách trung lập, nhưng họ có thể sớm cho phép quân đội và vũ khí hạt nhân của Nga trở lại một khi cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào tháng 2 chấp thuận đề xuất sửa đổi hiến pháp. Diễn biến này sẽ mang tới cho Nga cách tiếp cận khác nếu muốn triển khai thêm hành động quân sự chống lại Ukraine.

Chia sẻ bài viết