05/05/2020 - 07:59

Mỹ tiếp tục tố Trung Quốc che đậy COVID-19 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) lại vừa lên tiếng “kết tội” Trung Quốc, khẳng định “sai lầm khủng khiếp” của Bắc Kinh là nguyên nhân dẫn đến đại dịch COVID-19.

Trả lời Fox News, Tổng thống Trump nghi ngờ Trung Quốc đã “lừa” cả thế giới về nguy cơ lẫn quy mô dịch COVID-19. Theo ông, đây là “sai lầm rất lớn” nhưng Bắc Kinh không muốn thừa nhận, ngược lại tìm cách giấu giếm để căn bệnh này lan rộng và trở thành đại dịch toàn cầu. Trước đó, báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng phát hiện giới chức Trung Quốc cố tình che đậy thông tin SARS-CoV-2 gây COVID-19, cũng như mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Cách đó vài ngày, liên minh tình báo Five Eyes (Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand) cũng kết luận Trung Quốc “cố tình che giấu” hoặc “phá hủy bằng chứng” liên quan đại dịch.

Về nguồn gốc virus, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ tuần rồi đồng tình quan điểm của giới khoa học, rằng SARS-CoV-2 không phải con người tạo ra hay bị chỉnh sửa gen. Song, cơ quan này vẫn đang điều tra đại dịch bùng phát có phải do con người tiếp xúc động vật bị lây nhiễm hay là kết quả của một tai nạn trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ chối trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có cố tình phát tán virus hay không, nhưng khẳng định hiện có rất nhiều “bằng chứng” cho thấy SARS-CoV-2 xuất phát từ trung tâm nghiên cứu ở Vũ Hán. Đại diện ngoại giao Mỹ cũng chỉ ra đây không phải lần đầu tiên thế giới gánh chịu dịch bệnh như hậu quả do thất bại trong phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

►Trách nhiệm của Mỹ?

Bắc Kinh đến nay vẫn bác quan điểm virus xuất phát từ Viện Virus học Vũ Hán. Tuy nhiên, giả thuyết này có thêm sức nặng với nhận định của chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực an toàn sinh học Richard H. Ebright. Theo đó, ngoài nguy cơ lây nhiễm tại phòng thí nghiệm vốn đã xảy ra nhiều, thì khả năng lớn nhất là chuyên viên của Trung Quốc do sơ suất đã phán tán virus ra ngoài. Giả sử virus “sổng chuồng”, cựu quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Morell cho rằng kể cả Washington cũng có trách nhiệm. Bởi theo những thông tin được hé lộ gần đây, Chính phủ Mỹ từng tài trợ cho Viện Virus học Vũ Hán để tiến hành các nghiên cứu về virus Corona ở loài dơi.

Hiện nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi đình chỉ các nguồn tài trợ như trên. Washington cũng truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc trong đại dịch với kế hoạch dài hạn gồm nhiều công cụ trừng phạt trên nhiều mặt trận. Cụ thể ngoài hình thức chế tài, một số nguồn tin tiết lộ chính quyền Trump còn muốn hủy bỏ nghĩa vụ nợ với Trung Quốc, áp đặt chính sách thương mại mới để quốc tế cũng như cường quốc châu Á hiểu rõ trách nhiệm của Bắc Kinh. Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Johnson còn đề xuất xem xét chấm dứt thị thực đến khi Trung Quốc rút lại những tuyên bố “vô lý” đổ lỗi cho Mỹ.

►Quốc tế cảnh giác

Theo giới quan sát, cách Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19 đang tạo ra sự phân cực sâu sắc, ảnh hưởng tham vọng của họ muốn lấp khoảng trống lãnh đạo thế giới của Mỹ. Như nhận định của Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 Susan Shirk, thời điểm bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh và tiến hành ngoại giao y tế là cơ hội để Bắc Kinh thể hiện sự hào phóng, gầy dựng lại niềm tin, uy tín trên vị thế cường quốc toàn cầu có trách nhiệm. Nhưng về lâu dài, thái độ nước lớn dựa trên những tuyên bố mang tính uy hiếp ngược lại đang gieo mầm sự ngờ vực và làm tổn hại đến lợi ích của chính Trung Quốc.

Điển hình như gần đây, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục có những tuyên bố khiêu khích nhắm vào Úc sau khi Canberra ủng hộ việc điều tra dịch COVID-19. Với vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Úc, Bắc Kinh cảnh báo quốc gia châu Đại Dương sẽ chịu thiệt hại thương mại lâu dài khi “hùa” theo Mỹ. Tuần rồi, Trung Quốc cũng đe dọa không viện trợ y tế cho Hà Lan khi nước này đổi tên văn phòng đại diện ở Đài Loan. Ngay cả bên có truyền thống quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh như Pháp gần đây cũng tức giận trước những phê phán của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Nhiều nước như Đức, Ba Lan cũng lên tiếng than phiền về việc Trung Quốc vận động giới quan chức, công ty lớn nước sở tại thể hiện sự ủng hộ và lòng biết ơn đối với viện trợ từ Bắc Kinh.

Theo chuyên gia Angela Stanzel, sự ngờ vực đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng tại châu Âu. Đó không chỉ về chính sách ngoại giao nước lớn giữa thời điểm dịch bệnh mà còn là nghi ngại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực quan trọng như nguyên liệu và dược phẩm.

Mỹ đẩy mạnh sáng kiến rút chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh sáng kiến nhằm rút những chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu khỏi Trung Quốc trong khi Washington đang cân nhắc áp các khoản thuế mới đối với Bắc Kinh liên quan đến cách xử lý việc bùng phát dịch  COVID-19.

Ông Trump, người gần đây tăng cường công kích Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến vào ngày 3-11, từ lâu cam kết đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về Mỹ. Giới chức cấp cao và cựu quan chức Mỹ cho biết hiện thiệt hại kinh tế và số người tử vong cao do dịch COVID-19 tại Mỹ đang thúc đẩy chính phủ nước này chuyển sự phụ thuộc về sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, thậm chí thay vào đó là các nước khác “thân thiện hơn”. 

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg, NYT)

Chia sẻ bài viết