MAI QUYÊN (Theo Reuters)
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Mỹ sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về COVID-19 vào ngày 11-5, sau hơn 3 năm kể từ khi đại dịch bùng phát.

Tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường giúp giảm nguy cơ các đợt lây nhiễm cao trong cộng đồng. Ảnh: AFP
Tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành vào năm 2020. Hai tình trạng này được người kế nhiệm Joe Biden gia hạn thêm 90 ngày mỗi khi hết hạn.
Năm ngoái, Nhà Trắng từng cân nhắc kết thúc áp đặt các biện pháp toàn diện nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19, nhưng hoãn lại do lo ngại số ca bệnh có thể tăng đột biến trong mùa đông. Những tháng gần đây, nhiều nhà lập pháp bắt đầu phản đối yêu cầu của chính phủ cấp thêm hàng tỉ USD phục vụ xét nghiệm và vaccine miễn phí. Trong thông báo mới nhất, Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Nhà Trắng cho biết cả 2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ được gia hạn một lần nữa đến ngày 11- 5, sau đó chấm dứt.
Thông báo của Mỹ được đưa ra sau khi cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có kết luận, rằng đại dịch COVID-19 đang ở “giai đoạn chuyển tiếp”. Được biết, tuần này đánh dấu 3 năm kể từ khi cơ quan sức khỏe Liên Hiệp Quốc tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Theo số liệu WHO công bố hồi tháng 1, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 6,7 triệu người kể từ khi bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019. Thế giới đã chật vật vượt qua giai đoạn thiếu vaccine ngừa COVID-19 và phải học cách chung sống bình thường với dịch bệnh. Đến nay, COVID-19 vẫn là nguyên nhân dẫn đến 1.500 ca tử vong mỗi ngày trên toàn cầu.
Trong bối cảnh này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp hồi cuối tuần rồi của Ủy ban khẩn cấp ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR), cảnh báo nguy cơ lây truyền COVID-19 trên toàn cầu vẫn ở mức cao. Điều này đồng nghĩa SARS-CoV-2 tiếp tục được xếp vào tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Mặc dù phản ứng toàn cầu vẫn còn lúng túng, nhưng ông Tedros cho biết thế giới đang có nhiều công cụ giúp đẩy lùi COVID hơn so với thời kỳ đầu. Từ góc nhìn trên, lãnh đạo WHO thừa nhận kết luận của ủy ban IHR, rằng đại dịch COVID-19 có thể đang ở giai đoạn chuyển tiếp và đánh giá cao lời khuyên của cơ quan này trong điều hướng quá trình chuyển đổi một cách cẩn thận để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Theo cảnh báo của WHO, SARS-CoV-2 vẫn là mầm bệnh lâu dài ở người và động vật trong tương lai gần. Đặc biệt khi sự mệt mỏi sau hơn 3 năm đối phó đại dịch và việc các biến thể virus không còn nhiều rủi ro như trước đây, dẫn đến việc mọi người ngày càng phớt lờ hoặc xem nhẹ các biện pháp y tế như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Dự báo đường đi của đại dịch
Trong những tháng gần đây, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới có khả năng tránh miễn dịch đã gây ra làn sóng lây nhiễm và tái nhiễm khổng lồ. Khi được hỏi điều gì có thể xảy ra trong 12 tháng tới, nhà virus học Stuart Turville dự đoán SARS-CoV-2 có khả năng đi theo một trong 3 quỹ đạo.
Kịch bản đầu tiên và lạc quan nhất chính là tăng tỷ lệ tiêm vaccine mũi tăng cường trong cộng đồng sẽ giúp giảm áp lực từ việc virus biến đổi và lây nhiễm trên quy mô lớn. Kịch bản thứ 2, Tiến sĩ Turville cho là rất có thể xảy ra, biến thể mới xuất hiện trong bối cảnh không chịu nhiều kiểm soát và có khả năng lan truyền tạo ra những làn sóng lây nhiễm lớn hơn những gì được cảnh báo. Viễn cảnh cuối cùng cũng là tình huống xấu nhất, virus có thể tiến hóa thành một thứ mà y học không thể dự đoán được.
Dựa vào bằng chứng quan sát từ những biến thể gần đây, Giáo sư Eddie Holmes của Đại học Sydney (Úc) nói rằng kịch bản cuối cùng có xác suất thấp nhất do virus khó có thể trở nên độc hại hơn. Song, ông cảnh báo cộng đồng không thể quá lơ là và không loại trừ bất cứ điều gì.