06/02/2025 - 18:05

Mỹ rút khỏi WHO:
thảm họa hay cơ hội cải cách? 

Giữa quan ngại Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khiến công tác ứng phó đại dịch tiếp theo trở nên khó khăn hơn, giới chuyên môn tin cơ quan được Liên Hiệp Quốc (LHQ) lập từ năm 1948 vẫn là nền tảng hợp tác quan trọng nhất giúp giải quyết các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Trụ sở WHO ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: iSTock

Vài giờ sau lễ nhậm chức ngày 20-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Washington khỏi WHO sau cáo buộc tổ chức này “ứng phó sai với COVID-19” và “không có cải cách cần thiết” để xử lý đại dịch. Để duy trì tư cách thành viên, hãng tin Reuters tiết lộ Nhà Trắng từng cân nhắc áp dụng “cách tiếp cận mới triệt để”, bao gồm đưa một người Mỹ vào vị trí lãnh đạo. Tạm thời, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ được chỉ thị ngừng các hoạt động và liên lạc với WHO. 

Sắc lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 12 tháng nữa và Mỹ sẽ cắt mọi nguồn quỹ cho WHO. Theo ông Trump, tổ chức này đã yêu cầu Mỹ trả phí quá cao so với nước khác, điển hình như Trung Quốc. Những năm qua, Washington là nhà tài trợ lớn nhất của WHO khi góp khoảng 18% ngân sách hoạt động hàng năm. Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng trong điều tra và ứng phó các đợt khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Vì vậy, trong ngắn hạn, việc Washington vắng mặt chắc chắn để lại “lỗ hổng” lớn và ảnh hưởng không chỉ trường hợp khẩn cấp mà còn những chương trình dài hạn về sức khỏe. Trước mắt, sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump làm giảm triển vọng đạt Thỏa thuận đại dịch vào tháng 5 khi diễn ra Đại Hội đồng Y tế Thế giới. Đây là nỗ lực mới của WHO nhằm giải quyết điểm yếu trong công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó đại dịch toàn cầu. Năm ngoái, tiến trình này bị chững lại khi các nước thành viên bất đồng về cách tiếp cận công bằng với vaccine và chia sẻ dữ liệu mầm bệnh mới.

Nếu xét lâu dài, WHO vẫn là nền tảng quan trọng và hiệu quả nhất cho sự hợp tác và lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực y tế. Việc “tự hành động” hoặc dựa vào hình thức thỏa thuận song phương hoặc đa phương khác có khả năng không đem lại lợi ích tốt nhất cho Mỹ. Trên thế giới vẫn có nhiều tổ chức đa phương (như Quỹ Nhi đồng LHQ), đối tác y tế toàn cầu công - tư (Liên minh Vaccine Gavi), quỹ tư nhân (Quỹ Bill & Melinda Gates) và các tổ chức phi chính phủ (như Bác sĩ không biên giới) đóng góp cho hệ thống y tế toàn cầu. Nhưng không cơ quan nào đạt quy mô và phạm vi như WHO, với quyền triệu tập và thiết lập chuẩn mực y tế quốc tế dựa trên sự đồng thuận chính sách giữa các chính phủ. Việc xóa sổ bệnh đậu mùa năm 1980 với sự hợp tác của Mỹ với Liên Xô thông qua WHO là một trong những thành tựu mang tính bước ngoặt như vậy.

Vì vậy, xét đến sự phụ thuộc lẫn nhau của sức khỏe toàn cầu và vai trò như diễn đàn trung lập, rất ít người tin rằng Mỹ vĩnh viễn rút khỏi WHO hoặc kéo dài sau chính quyền hiện tại. Ở nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã khởi xướng rút khỏi WHO nhưng hành động này bị người kế nhiệm đảo ngược khi ông Joe Biden nhậm chức năm 2021.

WHO cần cải cách

Tổng thống Argentina Javier Milei, người chia sẻ nhiều hệ tư tưởng với Tổng thống Trump, tuyên bố quốc gia Nam Mỹ cũng sẽ rời khỏi WHO. Cùng với Nhà Trắng, hành động của Argentina có thể gây ra sự gián đoạn lớn đối với sức khỏe toàn cầu; đồng thời mang đến cơ hội cải cách trong bối cảnh WHO bị chỉ trích từ vấn đề tài chính bền vững đến quy trình quản trị và ra quyết định.

Hiện Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố nhiều biện pháp cắt giảm chi phí, bao gồm đóng băng tuyển dụng và đánh giá lại chương trình y tế. Nhân viên WHO Tania Cernuschi cũng phát động chiến dịch gây quỹ trực tuyến “Một đô la, một thế giới” với mục tiêu huy động 1 tỉ USD. Hồi tháng 5-2024, các quốc gia thành viên WHO đồng ý tăng dần các khoản phí nhằm giúp trang trải 50% ngân sách cốt lõi trong giai đoạn 2030-2031.

Trong thập kỷ qua, các khoản đóng góp phân bổ tự do chiếm chưa đến 20% ngân sách cốt lõi của WHO. Phần lớn nguồn quỹ là những khoản tự nguyện dành cho chương trình và dự án cụ thể, dấy lên lo ngại chiến lược của WHO được định hình bởi các ưu tiên của nhà tài trợ. Sắp tới, ảnh hưởng trong tay một số ít nhà tài trợ lớn được dự báo tăng dần nhằm bù đắp khoản đóng góp của Mỹ. Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có lấp khoảng trống Mỹ để lại không. Năm 2020, Bắc Kinh cam kết góp thêm 30 triệu USD sau khi Washington tạm dừng tài trợ cho WHO. Tuy nhiên, đóng góp của Trung Quốc vẫn ở mức dưới 3% và với ưu tiên viện trợ song phương, nước này khó tăng ngân sách cho WHO trong thời gian ngắn.

Giới chức Mỹ nỗ lực trấn an về đề xuất của Tổng thống Trump đối với Gaza

Ngày 5-2, các quan chức cấp cao Mỹ nỗ lực rút lại những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc tiếp quản Dải Gaza và tái định cư người Palestine.

Giải thích về đề xuất của ông Trump tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm đến Guatemala, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nêu rõ Tổng thống Trump chỉ muốn người Palestine tạm thời rời đi trong khi Gaza được tái thiết. Theo ông, đề xuất này của Tổng thống Trump “rất hào phóng”, đó là Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Dải Gaza dọn dẹp đống đổ nát, những bom mìn còn sót lại và tái thiết vùng lãnh thổ này sau xung đột.

Trong khi đó, Nhà Trắng nhấn mạnh Tổng thống Trump chưa cam kết triển khai quân đội Mỹ đến Gaza như một phần trong kế hoạch tái thiết lãnh thổ Palestine, nhưng cũng không loại trừ khả năng này. Thư ký báo chí Karoline Leavitt nêu rõ: “Tổng thống đã nói rất rõ ràng rằng Mỹ cần tham gia vào nỗ lực tái thiết để đảm bảo sự ổn định trong khu vực cho tất cả mọi người. Điều đó không có nghĩa là sẽ triển khai quân đội trên thực địa ở Gaza, cũng không có nghĩa là người dân Mỹ đóng thuế sẽ tài trợ cho nỗ lực này”. 

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết Washington đang cân nhắc mọi phương án khả thi liên quan đến Dải Gaza và sẽ tạm thời không công bố bất kỳ quyết định cụ thể nào.

 

MAI QUYÊN (Theo CNA News, Reuters)

Chia sẻ bài viết