27/01/2022 - 08:14

Mỹ quyết đối đầu Trung Quốc 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, SCMP)

Ngày 25-1, Hạ viện Mỹ hoàn tất dự luật sâu rộng nhằm tăng khả năng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, bao gồm các điều khoản hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn và củng cố quan hệ với Ðài Loan.

Tổng thống Biden cầm con chip bán dẫn khi ông phát biểu trước lúc ký lệnh hành pháp nhằm giải quyết khủng hoảng cung ứng bán dẫn toàn cầu. Ảnh: Getty Images

Đề cao vai trò lãnh đạo của Mỹ

Theo Hãng tin Reuters, dự luật có tên “Ðạo luật Cạnh tranh của Mỹ năm 2022” hướng đến hàng loạt ngành công nghiệp quan trọng của xứ cờ hoa, phản ánh nhiều mặt trận đang nóng lên trong căng thẳng Mỹ - Trung Quốc. Việc thông qua dự luật sẽ giúp cải tiến năng lực sản xuất và nghiên cứu nước nhà, thúc đẩy kinh tế và tăng cường an ninh quốc gia, nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu - Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết. “Cùng nhau, chúng ta có cơ hội để Trung Quốc và phần còn lại của thế giới thấy rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của Mỹ” - Tổng thống Joe Biden khẳng định trong một thông báo chính thức của Nhà Trắng.

Năm ngoái, Thượng viện cũng đã thông qua “Ðạo luật Cạnh tranh và Ðổi mới của Mỹ” với ngân sách 250 tỉ USD. Hai trong số các mục quan trọng bao gồm 190 tỉ USD được dành tài trợ cho hoạt động tăng cường khả năng nghiên cứu và đổi mới công nghệ cạnh tranh với Trung Quốc; 52 tỉ USD dùng để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn cũng như thiết bị viễn thông.

Với nguồn quỹ tương tự, phiên bản dự luật mà Hạ viện vừa công bố trích lập khẩn cấp 52 tỉ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, 45 tỉ USD cho nhiệm vụ phục hồi chuỗi cung ứng và sản xuất hàng hóa quan trọng, thiết bị công nghiệp và công nghệ. Còn lại các nguồn ngân sách khác được huy động để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi những nước có liên quan hoặc gây ra mối đe dọa đáng kể cho kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ. Dự luật đồng thời xem xét chính sách về nguồn lực quan trọng cùng chuỗi cung ứng phân bổ ở nước ngoài, đặc biệt những quốc gia đối thủ và nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc và Nga.

Về thương mại, dự luật mới sẽ cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi thuế quan hiện nay đối với hàng nhập khẩu, sửa đổi các quy định nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng có công việc hoặc tiền lương bị ảnh hưởng bởi hàng hóa nước ngoài. Trong nỗ lực giải quyết thách thức từ Sáng kiến “​​Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, dự luật cung cấp thêm công cụ giúp Washington ngăn chặn một số khoản đầu tư của các công ty Mỹ ra nước ngoài, đặc biệt ở những quốc gia đối thủ như Trung Quốc. Bộ Thương mại cũng được quyền áp thuế quan khi một chính phủ trợ cấp cho công ty hoạt động ở nước khác.

Chọc giận Trung Quốc

Một trong số các điều khoản đáng chú ý liên quan Trung Quốc mà dự luật vừa công bố còn gồm áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Bắc Kinh liên quan cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ, xem xét cấp quy chế tị nạn cho người Hong Kong đủ điều kiện.

Ngoài ra, dự luật cũng tập trung các biện pháp tăng cường quan hệ giữa Mỹ và các thành viên còn lại của nhóm Bộ tứ (Nhật Bản, Ấn Ðộ và Úc) với Ðài Loan. Trong đó có chỉ đạo Bộ Ngoại giao tiến tới đổi tên “Văn phòng Ðại diện Kinh tế và Văn hóa Ðài Bắc”, vốn được coi là đại sứ quán trên thực tế của Ðài Loan tại thủ đô Washington, thành “Văn phòng Ðại diện Ðài Loan tại Mỹ”. Trong khi dự luật xác định việc đổi tên “phản ánh mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Ðài Loan và Mỹ”, giới quan sát dự báo động thái này chắc chắn vấp phải phản ứng quyết liệt từ
Bắc Kinh.

Về Biển Ðông, dự luật nhắc lại quan điểm của Mỹ, rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này là hoàn toàn trái pháp luật. Riêng mảng học thuật, dự luật dành 10 triệu USD để tài trợ cho các trung tâm ngôn ngữ nhằm thay thế hệ thống viện Khổng Tử vốn gây tranh cãi vì mối quan hệ của họ với Chính phủ Trung Quốc; cung cấp 100 triệu USD cho các chương trình chống lại sự kiểm duyệt và tuyên truyền thông tin sai lệch từ Bắc Kinh.

Tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

 Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định nước này không có ý định thù địch với Triều Tiên. Washington cho rằng đối thoại và ngoại giao là phương thức hiệu quả nhất giúp đạt được mục tiêu bao trùm đó là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Price cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc hợp tác với hai đồng minh trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

 

Chia sẻ bài viết