11/06/2021 - 07:50

Mỹ quyết cạnh tranh với “Vành đai, Con đường” 

Cùng với Úc và Nhật Bản, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách hồi sinh sáng kiến “Mạng lưới Ðiểm Xanh - BDN” hỗ trợ các thị trường mới nổi tham gia những dự án cơ sở hạ tầng bền vững và đảm bảo an ninh quốc gia, hơn là rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Một công trình thuộc sáng kiến BRI tại Bangladesh. Ảnh: Getty Images

Hôm 7-6, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dưới sự bảo trợ của Mỹ - Úc đã triệu tập cuộc họp giữa các bên liên quan để thảo luận và ra mắt tổ tham vấn điều hành sáng kiến BDN. Sự kiện diễn ra tại Pháp còn thu hút sự tham gia của hơn 150 tổ chức, doanh nghiệp đến từ 96 quốc gia.

BDN lần đầu ra mắt vào năm 2019, sau thông báo của Bộ trưởng Thương mại Mỹ khi đó là Wilbur Ross bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan. Thời điểm ấy, nhiều chuyên gia nhận xét BDN được tạo ra nhằm chống lại những dự án cơ sở hạ tầng chất lượng thấp khiến nhiều quốc gia rơi vào “bẫy nợ” trong sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. BDN cũng thay cho lời phản bác của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước ý kiến ngờ vực rằng Mỹ đang rời xa khu vực sau khi rút lui khỏi Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thời điểm công bố, giới chức Mỹ cho biết mục tiêu của BDN là tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư nhân ở các thị trường mới nổi, đem đến tiêu chuẩn đáng tin cậy về phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trong khuôn khổ cởi mở và toàn diện. Về cơ bản, BDN sẽ sử dụng nguyên tắc phát triển hạ tầng do G7 và G20 đặt ra trong khi OECD cung cấp đầu vào kỹ thuật. Theo cựu Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, BDN sẽ đối đầu xu hướng “chất lượng không tốt” đã và đang khiến các nước rơi vào bẫy nợ, ám chỉ cáo buộc của chính quyền Trump về các dự án nằm trong tài trợ của BRI phá vỡ chủ quyền cũng như ổn định tài chính của các nước tham gia.

Theo chuyên gia phân tích cấp cao Derek Grossman tại RAND Corporation, Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh BRI để mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị trên toàn cầu. Về tham vọng của Mỹ - Nhật - Úc triển khai BDN “đấu” với siêu dự án trị giá hàng ngàn tỉ USD của Bắc Kinh, vị này cho rằng nỗ lực trên không hiệu quả khi tính đến quy mô và sức thu hút của dự án mới.

Trong khi đó, hai nhà phân tích Matthew Goodman và Daniel Runde tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng Mỹ vẫn có thế mạnh riêng, bao gồm các quỹ hưu trí và bảo hiểm trị giá hàng ngàn tỉ USD để huy động vốn và chuyên môn, tìm kiếm lợi nhuận dài hạn mà đầu tư cơ sở hạ tầng có thể mang lại ở những thị trường mới nổi chiến lược. Thực tế, giới chức Mỹ ban đầu cũng xác định BDN thay vì tài trợ trực tiếp sẽ tập trung vào chứng nhận và tư vấn để thuyết phục những nước tham gia BRI hạn chế hợp tác với Bắc Kinh và xem xét các lựa chọn an toàn hơn. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7-6 lần nữa khẳng định BDN hoạt động như một dấu chứng nhận toàn cầu đối với chất lượng các dự án cơ sở hạ tầng theo định hướng thị trường, minh bạch và bền vững. Căn cứ vào đây, các nhà thầu, doanh nghiệp và chính phủ có thể quyết định có tham gia dự án hay không.

Ngoài BDN, chính quyền Biden cũng đang thúc đẩy hợp tác cùng những đồng minh quan trọng trong các sáng kiến ​​cạnh tranh với Trung Quốc. Theo trang Nikkei Asia, Washington đặc biệt trông chờ sự hỗ trợ từ các đối tác lớn ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, nhất là Ấn Ðộ. Theo giới phân tích, mục tiêu của Mỹ là tiến tới thành lập Nhóm G10 gồm G7 cộng với Úc, Ấn Ðộ và Hàn Quốc cùng đông đảo khu vực tư nhân.

MAI QUYÊN (Theo Asia Times)

Chia sẻ bài viết