23/01/2022 - 08:41

Mỹ, Nhật quyết “đẩy lùi” Trung Quốc 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa có cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến lần đầu tiên với cam kết quyết tâm “đẩy lùi” các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Ðông và Biển Hoa Ðông.

Lãnh đạo Mỹ, Nhật thảo luận trực tuyến. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters cho biết cuộc gặp thượng định trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida kéo dài khoảng 90 phút rạng sáng 22-1 (giờ Việt Nam). Tại hội nghị, lãnh đạo hai nước cam kết sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác ở châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) có chung quan điểm giá trị.

Lãnh đạo hai nước cũng xác định sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Ðộ) tại Nhật Bản trong nửa đầu năm nay. Tổng thống Biden đã chấp nhận lời mời tham dự hội nghị và thăm chính thức Nhật Bản vào cuối mùa xuân năm nay.

Viết trên tài khoản Twitter sau hội nghị trực tuyến, Tổng thống Biden cho biết ông lấy làm vinh dự gặp Thủ tướng Kishida nhằm “tăng cường hơn nữa liên minh Mỹ - Nhật, nền tảng cho hòa bình và an ninh tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và thế giới”.  “Liên minh Mỹ - Nhật chưa bao giờ mạnh hơn và cần thiết hơn” - ông Biden nhấn mạnh.

Giới chức Nhà Trắng thì cho biết lãnh đạo Mỹ - Nhật đã thảo luận “rất sâu rộng” về vấn đề Trung Quốc. Theo đó, hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại Trung Quốc “dọa nạt” các nước láng giềng, đồng thời phản đối các hành vi đe dọa kinh tế cũng như các nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh làm thay đổi hiện trạng ở Biển Ðông và Biển Hoa Ðông. Lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại Eo biển Ðài Loan, quan ngại các hành vi của chính quyền Bắc Kinh tại tỉnh Tân Cương và Ðặc khu Hong Kong. Thủ tướng Kishida đặc biệt lo ngại việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển năng lực vũ khí hạt nhân, nhất là sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ vừa cho hay Bắc Kinh đang có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, đồng thời có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2027 và gấp 3 lần vào năm 2030.

Giới phân tích nhận định cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida cho thấy Nhật Bản ngày càng trở thành đối tác có tầm quan trọng sống còn của Mỹ trong việc kiềm chế các hành vi “cơ bắp” của Trung Quốc tại khu vực. Tokyo có truyền thống dè dặt khi đối đầu với Bắc Kinh, nhưng các nhà phân tích cho rằng trong hơn 2 năm qua Nhật Bản ngày càng thể hiện quan điểm rõ ràng hơn là ủng hộ Mỹ trong các vấn đề liên quan đến Ðài Loan và nghi kỵ các động thái mở rộng ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc tại khu vực.

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản hôm 17-1, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh rằng liên minh với Mỹ là “cốt lõi trong các chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản”. Ðến ngày 21-1, ông Kishida tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng ngân sách quốc phòng, hiện ở mức 47 tỉ USD, lên khoảng 8%.

Mỹ đánh giá cao việc Nhật Bản giúp tăng cường hợp tác trong nhóm Bộ tứ mà trọng tâm là thúc đẩy quan hệ với Ấn Ðộ và Úc. Mới đây, Nhật Bản và Úc ký thỏa thuận tạo thuận lợi cho hai nước tập trận chung. Thỏa thuận này được kỳ vọng cho phép mở rộng hợp tác quốc phòng 3 bên với Mỹ. Nhật Bản và Ấn Ðộ năm nay tổ chức kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ  ngoại giao và Mỹ tin rằng New Delhi sẽ gắn bó hơn trong nhóm Bộ tứ.

Ngoài hợp tác an ninh, Tổng thống Biden đã thảo luận với Thủ tướng Kishida về vai trò tích cực hơn của Mỹ trong cấu trúc thương mại tại châu Á. Vì thế, ông Biden hy vọng việc thiết lập khuôn khổ đối thoại 2+2 mới giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế hai nước sẽ giúp đảm bảo các chuỗi cung ứng, đầu tư công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn và kiểm soát xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị đưa ra “những mục tiêu chung” về hợp tác kinh tế tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền Tổng thống Biden đã bị chỉ trích là thiếu trụ cột kinh tế vững chắc để thực hiện chiến lược tại châu Á sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017 và nay chuyển thành Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chính quyền ông Biden có ý định quay lại CPTPP theo kiến nghị của Nhật, nhưng các nhà phản đối tại Mỹ cho rằng hiệp định này đe dọa việc làm của người dân xứ cờ hoa.

Chia sẻ bài viết