Chính quyền Tổng thống Donald Trump lo ngại Trung Quốc nắm giữ vai trò ngày càng lớn tại thị trường vũ khí Trung Đông mà Mỹ thống trị lâu nay.

Dực Long II, loại UAV do Trung Quốc sản xuất được nhiều nước Trung Đông ưa chuộng. Ảnh: SCMP
Báo cáo của Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 5 tiết lộ các loại vũ khí “Made in China” ngày càng phổ biến trên các chiến trường ở Trung Đông. Nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ đã chuyển sang mua vũ khí của Trung Quốc bởi Bắc Kinh có những công nghệ mà Washington hạn chế xuất khẩu theo hiệp ước kiểm soát vũ khí quốc tế. Điều Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại đó là việc Trung Quốc bán vũ khí ở Trung Đông sẽ giúp nước này có được vị thế kinh tế lẫn quân sự cũng như tăng cường mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. “Đây có khả năng là một công cụ để họ phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng chặt chẽ hơn, đặc biệt là để họ tiếp cận trong tương lai” - Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu với tờ Al-Monitor.
Mối lo của Washington không phải là không có căn cứ. Lầu Năm Góc cho biết, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông đã tăng 38% trong giai đoạn 2013-2017 so với 5 năm trước đó, ước đạt 10 tỉ USD. Nước này chỉ phải “đối mặt với sự cạnh tranh nhỏ” từ Mỹ trong việc bán máy bay không người lái (UAV) vũ trang tại Iraq, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Và trong bối cảnh Saudi Arabia và UAE mở rộng sự hiện diện quân sự vào Biển Đỏ và châu Phi, nhu cầu UAV do Trung Quốc sản xuất càng lớn. Trong những ngày gần đây, người ta thậm chí nhìn thấy Dực Long II, loại UAV vũ trang đa nhiệm được cho có sức mạnh tương đương với chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ, do UAE mua của Trung Quốc bay qua thủ đô Tripoli của Libya. Còn tại Yemen, lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn đã bắn hạ một số UAV do Trung Quốc chế tạo. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã bán hơn 30 UAV Cầu Vòng 4 cho các quốc gia như Saudi Arabia. Qatar cũng mua nhiều tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.
Không những vậy, Trung Quốc còn đang tìm kiếm thị phần lớn hơn. Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) hồi tháng 2 tuyên bố đã thiết lập văn phòng đại diện ở thành phố Dubai (UAE) để mở rộng việc buôn bán vũ khí trên khắp Vùng Vịnh. CSIC là hãng đã đóng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Trước tình hình trên, chính quyền Trump đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán UAV vũ trang tại Trung Đông. Theo đó, Washington đã đưa ra một đề xuất được cho sẽ giúp Bộ Ngoại giao Mỹ dễ dàng hơn trong việc cấp giấy phép bán vũ khí. Đề xuất này có khả năng sẽ cho phép thực hiện các hợp đồng bán những máy bay có vận tốc dưới 400 dặm/giờ. Song, những cải cách về xuất khẩu vũ khí gần đây của Nhà Trắng dường như không mang lại hiệu quả khi mà yêu cầu mua UAV Predator của Jordan và UAE không được thông qua ngay cả khi Nhà Trắng chỉ cho Quốc hội thấy các mối đe dọa an ninh từ Iran.
Giới chuyên gia cho rằng chính Mỹ đã đẩy các khách hàng Trung Đông về tay Trung Quốc. Đơn cử như việc Mỹ từ chối nỗ lực của Ai Cập nhằm mua UAV của nước này dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.
TRÍ VĂN (Theo Al-Monitor, SCMP)