Mạng tin WikiLeaks vừa tiết lộ bức điện tín đề ngày 29-8-2008 của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc có nguy cơ “ngày càng lớn” về tai nạn hạt nhân, do nước này chọn công nghệ giá rẻ có tuổi thọ chỉ 100 năm.
|
Trung Quốc xây dựng giai đoạn hai nhà máy Lĩnh Áo của trạm điện hạt nhân Vịnh Đại Á. Ảnh: EP |
Cảnh báo của các nhà ngoại giao Mỹ xuất hiện vài tuần sau khi Bắc Kinh nối lại chương trình phát triển hạt nhân, vốn bị tạm đình chỉ để kiểm tra độ an toàn sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản. Một số bức điện tín khác nêu bật vấn đề bí mật trong quá trình đấu thầu các hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ảnh hưởng của các cuộc vận động hành lang với chính phủ và sự yếu kém trong quản lý, cũng như quy định về giám sát lĩnh vực hạt nhân đang phát triển nhanh của Trung Quốc.
Hồi tháng 8-2008, Đại sứ quán Mỹ cho biết Trung Quốc đang trong quá trình xây dựng 50-60 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2020. Mục tiêu này là cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Mỹ. Để theo kịp Pháp và Nga, theo bức điện tín, Đại sứ quán Mỹ giục giới lãnh đạo cấp cao ở Washington ủng hộ, với công ty Westinghouse thay mặt giới thiệu công nghệ lò phản ứng hạt nhân AP-1000. Bức điện tín viết: “Điều này rất quan trọng bởi vì tất cả các vụ mua lò phản ứng cho tới nay ở Trung Quốc đều là kết quả của những quyết định chính trị nội bộ cấp cao, không có tiến trình mở”. Phía Mỹ lo ngại việc Trung Quốc muốn xây dựng các lò phản ứng của riêng họ tại Vịnh Đại Á và Lĩnh Áo (gần Thâm Quyến) theo công nghệ CPR-1000, dựa trên công nghệ cũ của Westinghouse. Một bức điện tín đề ngày 7-8-2008 cho rằng: “Khi thị phần CPR-1000 đang tăng lên, Trung Quốc chắc chắn rằng thà chịu gánh nặng với công nghệ này hơn là xây dựng một loạt các lò phản ứng tối tân”.
Trong 10 năm qua, CPR-1000 đã trở thành công nghệ phổ biến nhất Trung Quốc. Năm 2009, hãng Tân Hoa Xã cho biết chỉ có 2 trong số 22 lò phản ứng đang được xây dựng là không áp dụng công nghệ CPR-1000. Bức điện tín cho rằng “đây là sự lựa chọn nguy hiểm” khi bỏ qua công nghệ an toàn thụ động AP-1000, mà theo Westinghouse là an toàn gấp 100 lần so với CPR-1000. “Công nghệ an toàn thụ động” đảm bảo rằng lò phản ứng sẽ tự ngưng hoạt động trong trường hợp xảy ra thảm họa mà không cần sự can thiệp của con người. Các nhà máy không có chức năng này được xem là kém an toàn vì việc con người can thiệp rất khó khăn trong tình huống khủng hoảng.
Trung Quốc có tổng sản lượng điện hạt nhân là 10,82 GW vào cuối năm ngoái và dự định tăng thêm 12 GW trong tương lai gần. Mục tiêu tới 2020 của Trung Quốc là đạt 40 GW điện hạt nhân.
|
Trung Quốc cho rằng họ đã cập nhật và cải tiến công nghệ dựa trên CPR-1000, nhưng thừa nhận rằng kém an toàn hơn mô hình mới. Cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia và cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc hiện đang thảo kế hoạch an toàn mới, có thể bao gồm quy định là tất cả các nhà máy hạt nhân tương lai phải đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn về các lò phản ứng thế hệ thứ ba, giống như AP-1000 hoặc công nghệ thorium (nguyên tố phóng xạ được coi là sạch và an toàn hơn uranium). Tuy nhiên, họ vẫn phải quản lý hàng chục lò phản ứng thế hệ thứ hai trong vài thập niên tới. Việc xây dựng 4 lò phản ứng CPR-1000 đã được Bắc Kinh thông qua chỉ vài ngày trước khi xảy ra vụ nổ hạt nhân tại Fukushima. Theo các điện tín mật của Mỹ, không có sự thay đổi kế hoạch ở Trung Quốc. Lò phản ứng CPR-1000 mới nhất vừa hoàn thành hồi đầu tháng này là ở Lĩnh Áo.
THÁI BÌNH (Theo Guardian, Chinadaily)