28/07/2024 - 20:16

Mỹ lo ngại Bắc Cực trở thành khu vực đối đầu chiến lược 

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố Chiến lược Bắc Cực mới, trong đó nhấn mạnh rằng giữa những thay đổi về địa chính trị và khí hậu, Bắc Cực đang trở thành khu vực đối đầu chiến lược của Washington trước sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc.

Hiện tượng tan băng ở Bắc Cực ngày càng diễn ra nhanh chóng. Ảnh: US Coast Guard

Chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ đề cập đến những thay đổi lớn như cuộc khủng hoảng Ukraine, việc Phần Lan và Thụy Ðiển gia nhập NATO, sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, và tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, theo tài liệu này, Washington nên tăng cường khả năng công nghệ ở Bắc Cực, gồm lắp đặt nhiều vệ tinh và trung tâm dữ liệu hơn để thu thập và chia sẻ thông tin tình báo với các đồng minh.

Ngoài ra, Chiến lược Bắc Cực 2024 cũng cho rằng Mỹ cần phải cải thiện năng lực khoa học ở Bắc Cực vì lý do khí hậu, bởi “biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tính khó lường của môi trường vốn đã đầy thách thức trong bối cảnh có rất ít cảm biến và nguồn dữ liệu để hỗ trợ hoạt động dự báo khí hậu dài hạn”.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks tại cuộc họp báo hôm 22-7 nói rằng khí hậu ấm lên đang làm tăng nguy cơ về “mùa hè không có băng” vào năm 2030. Theo bà Hicks, biến đổi khí hậu về cơ bản đang làm thay đổi Bắc Cực, địa chính trị và các sứ mệnh phòng thủ của Mỹ, đồng thời tiết lộ Washington “đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên mặt đất và trên không ở Bắc Cực, gồm cả việc phát triển hệ thống cảm biến giúp nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng không, hàng hải cũng như các thiết bị có thể hoạt động trong thời tiết cực lạnh”.

Ðáng chú ý, Lầu Năm Góc trong Chiến lược Bắc Cực 2024 bày tỏ quan ngại về sự tăng cường hợp tác giữa Nga và Trung Quốc tại khu vực. “Chúng tôi nhận thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga ở Bắc Cực. Về mặt thương mại, Trung Quốc là nhà tài trợ chính cho hoạt động khai thác năng lượng của Nga ở Bắc Cực. Còn về mặt quân sự, Nga và Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc tập trận chung ngoài khơi bờ biển Alaska” - bà Hicks cho hay.

Trong Chiến lược Bắc Cực 2024, Lầu Năm Góc cho biết cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực của Washington, chủ yếu được xây dựng trong thời Chiến tranh Lạnh, đang bị xuống cấp do băng tan và xói mòn bờ biển. Trong khi đó, Mát-xcơ-va đang nâng cấp năng lực quân sự và Bắc Kinh thì tìm cách kiểm soát Bắc Cực. Ðến nay, Nga đã mở lại hàng trăm vị trí quân sự từ thời Liên Xô ở Bắc Cực, còn Trung Quốc cũng không giấu tham vọng ở đây và thông báo ý định thiết lập cái gọi là “con đường tơ lụa Bắc Cực”. “Mặc dù không phải là một quốc gia Bắc Cực nhưng Trung Quốc đang cố gắng tận dụng các động lực đang thay đổi ở Bắc Cực để theo đuổi ảnh hưởng, tận dụng các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực và đóng vai trò lớn hơn trong kiểm soát khu vực” - tài liệu nêu rõ.

Theo Lầu Năm Góc, Hải quân Trung Quốc cũng đã cho thấy khả năng và ý định hoạt động xung quanh khu vực Bắc Cực thông qua các cuộc tập trận cùng với Hải quân Nga trong nhiều năm qua. Lầu Năm Góc cũng bày tỏ quan ngại trước “các nỗ lực nghiên cứu quân sự - dân sự kép ở Bắc Cực” của Trung Quốc. Ðến nay, Bắc Kinh đã thực hiện 13 chuyến thám hiểm nghiên cứu ở Bắc Cực, thử nghiệm nhiều phương tiện dưới nước không người lái, máy bay có cánh cố định cùng nhiều phương tiện khác tại đây.

Anne-Marie Brady, Giáo sư về Khoa học Chính trị tại Ðại học Canterbury (New Zealand) nói với tờ Newsweek rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang thúc đẩy chính sách Bắc Cực giống như cách họ từng thúc đẩy chính sách Nam Cực. “Việc tiếp cận các vùng cực là rất quan trọng cho việc mở rộng quân sự của Trung Quốc. Trung Quốc đang sử dụng các hoạt động lưỡng dụng và hợp tác với Nga để mở rộng sự hiện diện và năng lực quân sự ở Bắc Cực. Ðiều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ cũng như tất cả các quốc gia Bắc Cực khác” - bà Brady lo ngại.

 Tám nước có sự hiện diện ở Bắc Cực, bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ và Nga. Trong đó có tới 50% đường bờ biển vùng này lại thuộc lãnh thổ Nga. Thế nên, sự gia nhập gần đây của Phần Lan và Thụy Điển vào khối  NATO tạo thêm điểm tựa hậu cần, hải quân... cho khối quân sự này trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga ở vùng Bắc Cực.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết