03/09/2021 - 19:54

Mỹ làm gì với số vũ khí ở Afghanistan? 

Ngay sau khi Mỹ hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan, các tay súng Taliban đã chiếm giữ nhiều trực thăng vận tải CH-47 Chinook tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul. Thật ra, đây chỉ là một phần nhỏ trong số khí tài “khủng” mà Mỹ để lại quốc gia Tây Nam Á.

Các tay súng Taliban với trực thăng Mỹ bỏ lại ở sân bay Kabul. Ảnh: LA Times

Theo Hãng tin BBC, trong số những khí tài nằm lại sân bay Kabul có trực thăng trinh sát MD-530 và máy bay cường kích hạng nhẹ A-29 (mỗi chiếc trị giá hơn 10 triệu USD). Video của phóng viên báo Los Angeles Times cho thấy các tay súng Taliban đã vào nhà chứa máy bay và kiểm tra một trong 7 chiếc trực thăng vận tải CH-46 Sea Knight bị bỏ lại. Chung số phận với chúng còn có ít nhất một máy bay C-130 Hercules, 27 xe chiến thuật Humvee và 70 xe bọc thép chống mìn. Tổng cộng Mỹ đã bỏ lại 73 chiến đấu cơ, gần 100 phương tiện và nhiều thiết bị quân sự khác chỉ riêng tại sân bay. Tuy nhiên, các binh sĩ Mỹ đã kịp thời vô hiệu hóa tất cả vũ khí này. “Ðó là một quy trình phức tạp và mất thời gian để phá hỏng các hệ thống, phi quân sự hóa và không để chúng có thể tái sử dụng. Chúng tôi cảm thấy bảo vệ lực lượng quan trọng hơn là mang những thứ này về”, Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ nói.

Dù vậy, ở những khu vực khác, lực lượng vũ trang Afghanistan khi tháo chạy đã không phá hủy hoặc vô hiệu hóa hết các thiết bị quân sự. Sau khi kiểm soát Kabul hôm 15-8, Taliban đã thu giữ nhiều vũ khí và thiết bị của binh sĩ Afghanistan bỏ lại. Theo các đánh giá tình báo, hơn 2.000 xe bọc thép và phần lớn trong số 167 máy bay chiến đấu, bao gồm 33 trực thăng tấn công trinh sát UH-60 Black Hawk, hiện đã lọt vào tay Taliban. Taliban có khả năng vận hành các máy bay M-17 do Nga sản xuất vì những máy bay này đã tồn tại ở Afghanistan nhiều thập niên. Với các thiết bị còn lại, họ có thể tìm đến quốc gia khác nhờ bảo trì và đào tạo cách sử dụng. Các thiết bị quân sự mà giới chuyên gia cho rằng có thể mang lại giá trị chiến thuật lớn cho Taliban gồm có kính nhìn đêm. Quân đội Afghanistan được trang bị 16.000 kính này.

Giai đoạn 2003-2016, Mỹ đã cung cấp lượng lớn vũ khí quân sự cho các lực lượng Afghanistan. Số khí tài này gồm gần 360.000 súng trường các loại, hơn 64.000 súng máy, trên 25.000 súng phóng lựu và 23.000 chiếc Humvee, theo số liệu của Chính phủ Mỹ. Sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương kết thúc nhiệm vụ chiến đấu năm 2014, quân đội Afghanistan phải đảm bảo an ninh cho đất nước. Lúc này, Mỹ cung cấp thêm khí tài và thay thế các thiết bị quân sự cũ kỹ. Washington gửi cho Kabul gần 20.000 khẩu súng trường M16 chỉ riêng trong năm 2017. Từ 2017-2021, Mỹ đã chuyển ít nhất 3.600 khẩu súng trường M4 và 3.000 chiếc Humvee cùng các thiết bị khác cho binh sĩ Afghanistan. Quân đội Afghanistan còn có các phương tiện tấn công cơ động, được sử dụng để triển khai lực lượng trong thời gian ngắn. Ước tính Mỹ chi tới 85 tỉ USD để huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân Chính phủ Afghanistan trong 20 năm qua.

Kêu gọi ném bom phá hủy

Bình luận về số khí tài bỏ lại, cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích rằng Mỹ chưa bao giờ rút quân một cách tệ hại như thế. “Tất cả các thiết bị nên được yêu cầu (Taliban) trả cho Mỹ ngay lập tức, bao gồm từng xu trong số 85 tỉ USD chi phí. Nếu không được trao lại, chúng ta nên can thiệp bằng lực lượng quân sự để lấy lại hoặc ít nhất đánh bom chúng”, ông Trump phát biểu hôm 30-8. Cùng quan điểm trên, Scott Franklin, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đề nghị chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nên không kích phá hủy số thiết bị quân sự ở Afghanistan để chúng không bị Taliban hoặc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) sử dụng.

Giới chức Mỹ từng cho rằng phương án bàn giao vũ khí lại cho chính quyền Afghanistan tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chúng bị Taliban chiếm giữ. Do vậy, trong những tuần rút quân cuối cùng, quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở Afghanistan nhằm phá hủy thiết bị và vũ khí, nhưng chỉ được một phần.

Washington không nới lỏng trừng phạt Taliban

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 2-9 cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden không xem xét nới lỏng trừng phạt đối với Taliban. Ngoài ra, bà Psaki cũng lưu ý nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Afghanistan, ISIS-K, đang nhắm tới các mục tiêu hàng không, dân sự tại các căn cứ quân sự của Mỹ.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết