11/07/2008 - 08:09

Mỹ-Iran "khẩu chiến" !

Tên lửa được Iran phóng thử hôm 9-7. Ảnh: Reuters

Tình hình vùng Vịnh càng căng thẳng hơn sau khi Iran trong hai ngày 9 và 10-7 tiến hành phóng thử hàng loạt tên lửa, trong đó có tên lửa tầm xa Shihab 3 có thể bay đến Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Liệu có xảy ra cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ- Israel với Iran sau những động thái cứng rắn gần đây của hai bên?

Tướng Hossein Salami, chỉ huy không lực của Vệ binh Cách mạng Iran, cho biết vụ phóng thử tên lửa lần này không phải như thường lệ. Ông Salami nói: “Chúng tôi cảnh báo kẻ thù, những ai đe dọa Iran bằng các cuộc diễn tập quân sự và hoạt động tâm lý chiến. Iran sẵn sàng khai hỏa hàng ngàn tên lửa xác định trước mục tiêu”. Tuyên bố của ông Salami ám chỉ cuộc tập trận của không quân Israel ở Địa Trung Hải và hải quân Mỹ-Anh mới đây tại vùng Vịnh. Ali Shirazi, trợ lý của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, cũng tuyên bố phản ứng đầu tiên của Iran khi bị tấn công là sẽ trả đũa Israel và hải quân Mỹ ở vịnh Persic.

Trong khi đó, Mỹ một mặt chỉ trích vụ phóng thử tên lửa của Iran, nhưng mặt khác cũng lợi dụng cơ hội này để biện hộ cho kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của mình. Phát biểu trong chuyến công du châu Âu để ký thỏa thuận lắp đặt trạm radar tại Cộng hòa Czech, một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói rằng các vụ thử tên lửa của Tehran là bằng chứng cho thấy thế giới cần có lá chắn tên lửa của Mỹ, và Iran là “mối đe dọa có thật” chứ không phải do Washington tưởng tượng ra. Phát biểu của bà Rice nhằm vào việc Mát-xcơ-va lâu nay phản đối Mỹ xây dựng lá chắn tên lửa vì cho rằng nó nhằm vào Nga chứ không phải Iran.

Thời gian gần đây, các cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Iran diễn ra thường xuyên và Washington vừa công bố các biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung đối với Tehran hôm 8-7. Các quan chức Nhà Trắng cũng nhiều lần khẳng định không loại trừ giải pháp quân sự đối với Iran. Thế nhưng, dường như Washington và Tehran đều không muốn xảy ra đối đầu quân sự, ít ra là vào thời điểm hiện nay. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói: “Thực tế là có nhiều dấu hiệu căng thẳng, nhưng có thể thấy được những hậu quả ra sao nếu xảy ra xung đột. Mỹ đang siết chặt biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế đối với Iran và nỗ lực để chính phủ nước này thay đổi chính sách là chiến lược và giải pháp tiếp tục được ưu tiên”. Theo các nhà phân tích, Mỹ đang sa lầy ở Iraq và Afghanistan nên can dự vào một cuộc chiến nữa là điều hết sức khó khăn. Mặt khác, trong bối cảnh giá dầu leo thang như hiện nay, nền kinh tế đang khát dầu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xảy ra chiến tranh với Iran, nước xuất khẩu dầu lớn thứ năm thế giới và có khả năng án ngữ eo biển Hormuz, nơi 40% lượng dầu thế giới đi ngang qua đây.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng bác bỏ khả năng chiến tranh với Mỹ và Israel. Ông cho biết Tehran không muốn xung đột nhưng nhất quyết không ngừng chương trình làm giàu uranium.

N.MINH (Theo Guardian, AFP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết