HẠNH NGUYÊN (Theo AP, NBC News)
Mỹ và Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch mới nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm việc đưa tàu ngầm hạt nhân chiến lược đến bán đảo Triều Tiên lần đầu tiên trong 4 thập niên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo ngày 26-4. Ảnh: AP
Triển khai tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc
Tổng thống Joe Biden ngày 26-4 đã tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người đang có chuyến công du Mỹ kéo dài 6 ngày nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh. Tại cuộc họp báo chung, hai nhà lãnh đạo đã công bố “Tuyên bố Washington”, nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác song phương truyền thống và cam kết phòng thủ chung.
Tuyên bố chung nhấn mạnh Hàn Quốc hoàn toàn tin tưởng vào các cam kết răn đe mở rộng của Mỹ và công nhận tầm quan trọng, sự cần thiết và lợi ích của việc phụ thuộc lâu dài vào khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.
Về phần mình, Washington cam kết sẽ tham vấn với Seoul về bất kỳ tình huống nào có khả năng phải sử dụng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Yoon tái khẳng định cam kết lâu dài của Hàn Quốc đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cũng như đối với Thỏa thuận hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Ðáng nói, tuyên bố chung nêu rõ Mỹ sẽ thực hiện các bước để sức răn đe trở nên rõ ràng hơn, thông qua triển khai đều đặn các khí tài chiến lược, gồm tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) đến Hàn Quốc, điều chưa từng diễn ra từ đầu thập niên 1980. Tuy nhiên, phía Mỹ nhấn mạnh những vũ khí đó không đồn trú lâu dài và Washington không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên.
Mặt khác, Tổng thống Biden nhấn mạnh bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc sẽ bị đáp trả. Dù vậy, tuyên bố cũng lưu ý rằng bên cạnh các bước tăng cường răn đe mở rộng, cả Mỹ và Hàn Quốc vẫn kiên định theo đuổi đối thoại và ngoại giao với Bình Nhưỡng mà không có điều kiện tiên quyết, như một phương tiện để thúc đẩy mục tiêu chung là đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Trấn an đồng minh
Giới chức Mỹ cho rằng “Tuyên bố Washington” được thiết kế nhằm xoa dịu những lo ngại của Hàn Quốc về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Khi còn là ứng viên tổng thống hồi năm ngoái, ông Yoon từng hứa sẽ kêu gọi Mỹ tăng cường triển khai máy bay ném bom, tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc giữa lúc vị này muốn đối phó với các mối đe dọa từ quốc gia láng giềng cứng rắn hơn người tiền nhiệm Moon Jae-in. Tổng thống Yoon hồi đầu năm cho biết Hàn Quốc cân nhắc tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc yêu cầu Mỹ tái triển khai vũ khí này trên bán đảo Triều Tiên.
Các cuộc thăm dò chỉ ra ngày càng nhiều người Hàn Quốc muốn chính phủ nước này phát triển vũ khí hạt nhân, bởi họ lo rằng Mỹ bị xao nhãng bởi cuộc đối đầu ngày càng tăng với Trung Quốc mà không bảo vệ Seoul trong trường hợp xảy ra xung đột với Triều Tiên. Khảo sát công bố trong tháng này của Viện Nghiên cứu chính sách Asan ghi nhận khoảng 64% dân chúng Hàn Quốc ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, vào giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các tàu SSBN của Mỹ thường xuyên cập cảng Hàn Quốc, đôi khi 2-3 lần/tháng. Ðó là giai đoạn Mỹ triển khai hàng trăm đầu đạn hạt nhân tại quốc gia Ðông Bắc Á. Nhưng đến năm 1991, Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên. Một năm sau đó, Hàn Quốc và Triều Tiên ký tuyên bố chung cam kết sẽ không thử nghiệm, sản xuất, tiếp nhận, sở hữu, lưu trữ, triển khai hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.