05/03/2010 - 09:00

Mỹ gặp khó trong việc tăng cường trừng phạt Iran

Tổng thống Brazil Silva tiếp Ngoại trưởng Mỹ Clinton hôm 3-3. Ảnh: AFP

Nỗ lực thuyết phục Brazil ủng hộ nghị quyết mới trừng phạt Iran của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Brasilia hôm 3-3 coi như hoàn toàn thất bại. Trong cuộc hội đàm với bà Clinton, Tổng thống Lula da Silva và Ngoại trưởng Celso Amorim tuyên bố Brazil tiếp tục ủng hộ tiến trình đàm phán quốc tế, đảm bảo Iran không làm giàu uranium tới mức có thể chế tạo bom nguyên tử, chứ không ủng hộ việc gia tăng cấm vận nước này. Tổng thống Silva cảnh báo “không nên dồn Tehran vào chân tường”, còn ông Amorim thì cho rằng trừng phạt Iran “có thể phản tác dụng”.

Tìm kiếm sự ủng hộ của Brazil được xem là một trong những mục tiêu chính của bà Clinton trong chuyến công du 6 nước Mỹ La-tinh bắt đầu hôm 28-2. Ngoài tư cách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hiện nay, Brazil còn đi đầu trong số các nước đang phát triển bảo vệ quyền phát triển năng lượng nguyên tử và làm giàu uranium của Iran. Theo Tổng thống Silva, Tehran cần có nhiều thời gian hơn để giải tỏa sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, và Brasilia không muốn chống lại một quốc gia mà không có bằng chứng rõ ràng về chương trình vũ khí của họ. Khi bà Clinton cho rằng Iran sẽ chỉ thương lượng “chân thành” nếu HĐBA áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, Ngoại trưởng Amorim lập tức nhắc lại hậu quả nghiêm trọng từ cáo buộc sai lầm của Mỹ về việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Sự cự tuyệt của Brazil càng gây thêm khó khăn cho Mỹ trong nỗ lực thúc đẩy HĐBA thông qua nghị quyết mới trừng phạt Iran vào tháng tới. Để được thông qua, nghị quyết cần sự ủng hộ của 9 trong số 15 thành viên HĐBA, mà không có nước nào trong 5 thành viên thường trực (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh) dùng quyền phủ quyết. Ngoài Brazil, Mỹ còn lo ngại sự phản đối của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban.

Các nhà ngoại giao cho rằng căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về nhiều vấn đề khác thời gian gần đây đang gây phức tạp cho chính sách của Mỹ đối với Iran. Bắc Kinh có thể tận dụng vấn đề này để gây sức ép buộc Washington nhượng bộ về các vấn đề như thương mại, tiền tệ...

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban cũng có những tuyên bố tương tự Brazil. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng nhiều lần bác bỏ mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran, và cho rằng nó không nguy hiểm bằng kho vũ khí hạt nhân không tuyên bố của Israel. Ông Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới và lịch sử với Iran, và muốn tăng gấp 3 lần kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 30 tỉ USD/năm trong tương lai gần. Còn với Liban, chính quyền mới của nước này có thể sẽ không bỏ phiếu trừng phạt Iran, do trong nội các có các thành viên của phong trào Hồi giáo Hezbollah do Iran bảo trợ, có thể tìm cách bảo vệ Tehran.

Theo giới quan sát, sự phản đối của Trung Quốc cùng với các thành viên không thường trực khác trong HĐBA có thể khiến Mỹ phải giảm bớt mức độ nghiêm khắc trong các biện pháp trừng phạt Iran.

N. KIỆT
(Theo WSJ, BBC, AFP)

Tổng thống Brazil Silva tiếp Ngoại trưởng Mỹ Clinton hôm 3-3. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết