26/02/2024 - 23:49

Mỹ chật vật tìm kiếm ảnh hưởng ở Tây Phi 

Mỹ đang khẩn trương tiến hành các nỗ lực ngoại giao ở Tây Phi, nhằm tìm kiếm giải pháp hợp tác với các chính phủ quân sự tại khu vực này. Ðây là khu vực vốn chứng kiến bạo lực do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra đang gia tăng và ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga.

Một phái đoàn nghị sĩ Mỹ tới thăm căn cứ không quân 201 ở miền Bắc Niger vào tháng 5-2023. Ảnh: Defense One

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đôi khi gặp khó trong việc nêu rõ mối quan hệ đối tác đó sẽ như thế nào, đặc biệt là bởi các dạng hỗ trợ hợp pháp mà Washington có thể cung cấp đã bị cắt giảm kể từ lúc binh sĩ ở Niger, Mali và Burkina Faso lật đổ các chính quyền dân cử, theo tiết lộ của các quan chức Mỹ đương thời và về hưu.

Rủi ro đặc biệt cao ở Niger, nơi Mỹ đã triển khai hơn 1.000 binh sĩ và vận hành một căn cứ máy bay không người lái (UAV) được cho đóng vai trò rất quan trọng để giám sát các nhóm Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahel. Các nhóm này có liên hệ với al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), những tổ chức đang “biến” châu Phi, thay vì Trung Ðông, thành đấu trường chính của họ. Nhưng kể từ cuộc đảo chính ở Niger năm ngoái, hoạt động tại căn cứ không quân này đã bị giới hạn ở mức giám sát nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Molly Phee, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao về các vấn đề châu Phi, cho biết bà đã nói chuyện thẳng thắn khi tới Thủ đô Niamey của Niger vào tháng 12-2023 để đàm phán với thủ tướng nước này và các thành viên nội các. Bà Phee cho biết đã thúc giục chính quyền quân sự Niger xây dựng lại quan hệ với các nước khác, nhất là với Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) - tổ chức được coi là đồng minh trong nỗ lực khôi phục nền dân chủ trong khu vực. Bà nhấn mạnh Mỹ vẫn sẽ đình chỉ viện trợ cho đến khi Niger đặt ra mốc thời gian để khôi phục dân chủ.

Tuy nhiên, trong 2 tháng kể từ cuộc gặp trên, Niger lại đi theo hướng ngược lại. Chính phủ nước này vẫn chưa công bố thời gian tổ chức bầu cử và tiếp tục quản thúc Tổng thống dân cử Mohamed Bazoum tại gia.

ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên với ba nước sau cuộc đảo chính. Hồi tháng rồi, Niger cùng với Mali, Burkina Faso đã rời ECOWAS sau gần 50 năm và họ thành lập Liên minh các quốc gia vùng Sahel, khoét sâu thêm rạn nứt ở Tây Phi giữa 3 quốc gia do quân đội lãnh đạo và những nước có tổng thống dân cử.

Trong khi đó, Nga tiếp tục đạt được những thành tựu trong khu vực. Chuyến thăm của bà Phee tới Niger diễn ra ngay sau khi Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-bek Yevkurov ký các thỏa thuận an ninh mới với chính quyền quân sự ở Niamey. Còn tại Burkina Faso, hơn 100 binh sĩ Nga thuộc “Quân đoàn châu Phi”, được các quan chức Nga mô tả là lực lượng kế thừa của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, đã đến đây trong 2 tháng qua. Ở Mali, giới phân tích ước tính hơn 1.000 lính Nga đang cùng với lực lượng của quốc gia Tây Phi này chiến đấu chống lại các phần tử ly khai và Hồi giáo cực đoan.

Trong chuyến công du châu Phi hồi đầu năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Bộ Ngoại giao nước này “tập trung cao độ vào những thách thức đối với an ninh trong khu vực, ở Sahel”. Ông cảnh báo các quốc gia trong khu vực về hậu quả của việc tăng cường quan hệ với Mát-xcơ-va, đồng thời lưu ý rằng những người hợp tác với Wagner đã nhận thấy các vấn đề “rõ ràng ngày một tồi tệ hơn”.

Trong khi Washington đang nỗ lực duy trì các hoạt động ở Niger, Tướng Michael Langley, Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc cũng đang “nghiên cứu những lựa chọn” cho các thỏa thuận an ninh mới với các quốc gia Tây Phi khác, bao gồm Ghana, Togo, Benin và Bờ Biển Ngà. Ông lưu ý rằng những quốc gia này đang bắt đầu chứng kiến ​​bạo lực ở vùng Sahel “di căn qua biên giới của họ”. Nhật báo Phố Wall tháng rồi đưa tin Mỹ đang tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ về việc bố trí UAV trinh sát tại các sân bay ở Ghana, Bờ Biển Ngà và Benin.

HẠNH NGUYÊN (Theo Washington Post)

 

Chia sẻ bài viết