04/05/2019 - 10:02

Mỹ chậm chân ở Trung Âu? 

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đón Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis. Hôm nay 4-5, nhà lãnh đạo xứ cờ hoa có cuộc gặp với Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini. Và vào ngày 13-5 tới, ông chủ Nhà Trắng sẽ hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Vì sao các nhà lãnh đạo Trung Âu được mời đến Washington  nhiều  như vậy?

Tổng thống Trump (phải) tiếp Thủ tướng CH Czech Andrej Babis tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Christopher Maroshegyi, Chủ tịch Tập đoàn Albright Stonebridge (Mỹ), cho rằng mục đích các chuyến thăm của giới lãnh đạo Trung Âu tới Nhà Trắng là nhằm tạo lợi thế cho các nhân vật dân túy trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 23-5. Ngược lại, Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Trung Âu trong bối cảnh Nga và Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng tại khu vực.

Chuyện giới lãnh đạo Trung Âu cấp tập đến gặp Tổng thống Trump không phải là điều đáng ngạc nhiên. Kể từ khi ông Wess Mitchell trở thành Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Âu và Âu-Á hồi tháng 10-2017, cách tiếp cận của chính quyền Trump đối với Trung Âu đã khác biệt đáng kể so với thời cựu Tổng thống Barack Obama. Giới phê bình cho rằng chính quyền Obama đã hầu như phớt lờ đối với khu vực cho đến khi giới lãnh đạo Trung Âu cho thấy có sự cải thiện về nhân quyền. Ngược lại, chính quyền Trump với chính sách do ông Mitchell đưa ra đã chọn không tập trung vào nhân quyền, thay vào đó là tiếp cận khu vực để cạnh tranh và chống lại Nga cũng như Trung Quốc. Tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Trung Âu như ngầm cho thế giới hiểu rằng Washington sẽ cạnh tranh với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh tại khu vực.

Song, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo đến Trung Âu, Hungary đã chào đón một ngân hàng phát triển của Nga trong khi Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman tới Trung Quốc để gặp lãnh đạo tập đoàn công nghệ Huawei. Ngoài việc hoan nghênh nhà băng Nga và cho phép các nhân viên ngân hàng này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, Hungary cũng trải thảm đỏ đối với Huawei. Không những vậy, Thủ tướng Orban còn tạo dựng mối quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Hungary là quốc gia duy nhất thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường-BRI” của Trung Quốc. “Rõ ràng chính sách tiếp cận của Mỹ không mang lại hiệu quả. Các quốc gia như Hungary và Cộng hòa Czech tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh” - ông Maroshegyi nhận định.

Được biết, Huawei đặt trung tâm hậu cần lớn nhất của mình bên ngoài Trung Quốc tại Hungary. Trong cuộc gặp với giới lãnh đạo Huawei hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hungary Varga Mihály tuyên bố nước này sẽ cho bán các thiết bị của Huawei trên toàn quốc.

Mỹ lo Trung Quốc củng cố quân sự

Một báo cáo mới được công bố của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng vũ trang để trở thành cường quốc quân sự toàn cầu và tiếp tục đánh cắp công nghệ tiên tiến cho mục đích quân sự.

Theo đó, Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp để có được các công nghệ quân sự và công nghệ kép của nước ngoài, gồm đẩy mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đánh cắp trực tuyến và khai thác quyền truy cập của các công dân Trung Quốc đối với những công nghệ này, dùng các cơ quan tình báo, xâm nhập máy tính cũng như nhiều cách tiếp cận bất hợp pháp khác. 

TRÍ VĂN (Theo Washington Post, CNN)

Chia sẻ bài viết