07/06/2020 - 06:49

Mỹ cắt giảm binh sĩ tại Đức 

Tổng thống Donald Trump đã quyết định cắt giảm hơn ¼ số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Đức vào tháng 9 tới, động thái gây quan ngại cho các đồng minh châu Âu về cam kết đảm bảo an ninh của Washington đối với lục địa già.

Bà Merkel từng bất đồng với ông Trump về các vấn đề quốc tế. Ảnh: Getty images

Theo một quan chức cấp cao Nhà Trắng, Tổng thống Trump quyết định rút 9.500 trên tổng số 34.500 binh sĩ Mỹ tại Đức. Số binh sĩ rút đi sẽ được phân chia đưa tới nhiều nơi, bao gồm Ba Lan và các nước đồng minh khác, trong khi số còn lại được về nước. Như vậy số binh sĩ Mỹ đóng tại Đức sẽ còn là 25.000.

Kế hoạch đã chuẩn bị sẵn?

Quan chức Mỹ cho hay động thái trên của ông chủ Nhà Trắng hôm 5-6 là kết quả nhiều tháng làm việc của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, chứ không liên quan đến quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã thẳng thừng từ chối lời mời của ông Trump qua Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến diễn ra từ 10-12/6.

Hành động của bà Merkel được cho là thể hiện sự thiếu tin tưởng vào biện pháp chống dịch COVID-19 của nước Mỹ và đã buộc ông Trump phải tuyên bố hoãn kế hoạch tổ chức hội nghị mà ông đặt niềm tin sẽ triển khai thành công. Tổng thống Trump tỏ thái độ không hài lòng khi giải thích cho quyết định của mình: “Tôi không cảm thấy rằng G7 có thể đại diện cho những gì đang xảy ra trên thế giới. Đây là một nhóm quá lỗi thời”. Vì thế, ông thông báo sẽ mời thêm 4 quốc gia là Nga, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh mở rộng của G7 vào mùa Thu năm nay. Ông Trump cho hay hội nghị có thể diễn ra vào tháng 9 tới, trước hoặc sau phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.  

Một quan chức khác cho biết sự điều chỉnh quân lực của Tổng thống Trump đã được Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien tán thành trong bản ghi nhớ được ký kết mới đây và kế hoạch này được khởi động từ tháng 9 năm ngoái. Quan chức này giải thích rằng Mỹ không cần thiết phải duy trì số lượng lớn quân nhân cùng khoảng 17.000 nhân viên dân sự hỗ trợ khác tại Đức sau khi các nước đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng thêm 140 tỉ USD năm 2019 và 100 tỉ USD nữa năm 2020 nhằm chia sẻ gánh nặng an ninh với Mỹ. Báo Washington Post cũng cho rằng kế hoạch cắt giảm binh sĩ Mỹ tại Đức đã được thúc đẩy bởi Richard Grenell, người đã thôi chức vụ đại sứ Mỹ tại Đức từ vài tháng qua để đảm nhận vai trò quyền giám đốc tình báo quốc gia.

Hiện tại, Mỹ là nước có nhiều binh sĩ đồn trú tại Đức hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Nhật Bản. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây dù là di sản của Thế chiến thứ 2 nhưng trở thành hòn đá tảng cho chính sách phòng thủ châu Âu thời Chiến tranh lạnh của Mỹ trước Liên Xô. Mỹ có nhiều cứ địa hải ngoại then chốt tại Đức như căn cứ không quân Ramstein, trung tâm y tế khu vực Lansdtuhl. Lực lượng Mỹ tại Đức giúp huấn luyện quân sự và y tế cho các đồng minh NATO tại châu Âu và bên ngoài. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, Mỹ bắt đầu tái tăng cường quân lực tại châu Âu. Vì thế, việc ông Trump rút bớt binh sĩ ra khỏi Đức được ví như “món quà” dành tặng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nghi vấn thù ghét cá nhân

Cũng theo Washington Post, dù Tổng thống Trump đưa ra quyết định trên nhưng phía Berlin chưa được thông báo trước. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc thì không đưa ra thông báo chính thức. Ngoại trừ người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng John Ullyot có thông cáo nêu rõ: “Mỹ vẫn duy trì cam kết hợp tác với đồng minh mạnh mẽ Đức nhằm đảm bảo phòng thủ chung cũng như các vấn đề quan trọng khác”.

Trên thực tế, ông Grenell cùng nhiều quan chức Mỹ thời gian qua vẫn liên tục chỉ trích Đức không tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng theo đúng yêu cầu của Tổng thống Trump. Năm 2019, dù có tăng chi tiêu nhưng đóng góp quân sự của Đức chỉ chiếm 1,36% GDP, thấp hơn mức mục tiêu 2% GDP của NATO. Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố nước này không thể đáp ứng yêu cầu tăng chi tiêu của Mỹ cho đến năm 2031.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích đánh giá động thái của ông Trump mang hơi hám chính trị, thậm chí thù ghét cá nhân. Theo New York Times, Tổng thống Trump có quan hệ lạnh nhạt đặc biệt với bà Merkel trên nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Nga. Thủ tướng Đức cũng vừa gây khó chịu cho ông Trump khi từ chối sang Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ngoài lý do dịch COVID-19, bà Merkel rất giận dữ khi ông Trump bất ngờ thông báo rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giữa hiểm họa đại dịch toàn cầu.

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel gọi quyết định của ông Trump là “liều lĩnh” bởi nó xúc phạm đến một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của nước Mỹ bằng mối thù cá nhân. Ông Engel nhấn mạnh: “Ông ấy thiếu phẩm chất lãnh đạo, thiếu tôn trọng đồng minh và không hiểu biết về lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta”. Jack Reed, nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, mô tả hành động của ông Trump là “nhỏ nhen và ngớ ngẩn”. Frederick B. Hodges, cựu Trung tướng từng làm tư lệnh lục quân  Mỹ tại châu Âu, nhấn mạnh rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đức không phải để bảo vệ người Đức mà nhằm mang lại mọi lợi ích cho nước Mỹ.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết