14/03/2014 - 14:58

Mỹ “bảo kê” Ukraina

Tổng thống Obama (phải) cam kết ủng hộ Ukraina trong cuộc gặp quyền Thủ tướng Ukraina Yatsenyuk hôm 12-3.

Chia rẽ Đông-Tây ngày càng lớn sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết Washington sẽ dốc toàn lực hậu thuẫn cho Ukraina trong cuộc đối đầu hiện nay với Nga. Phương Tây cũng gia tăng áp lực với Mát-xcơ-va nhằm buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ mới ở Kiev cũng như ngăn cản cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra tại cộng hòa tự trị Crimea.

Mỹ sát cánh cùng Ukraina

Tổng thống Obama trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng tạm quyền Ukraina Arseniy Yatsenyuk tại Nhà Trắng ngày 12-3 nói rằng Mát-xcơ-va sẽ "trả giá đắt" nếu không giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay theo cách mà Washington đề xuất. Ông cảnh báo nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn từ chối thực hiện theo lộ trình đó, "cộng đồng quốc tế sẽ sát cánh cùng Chính phủ Ukraina" chống lại Nga. Ông chủ Nhà Trắng cam kết "Mỹ sẽ ở bên cạnh Ukraina và nhân dân Ukraina để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraina". Ông cũng lặp lại rằng Ukraina và phương Tây sẽ không công nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3 nhằm sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.

Về phần mình, quyền Thủ tướng Yatsenyuk cho biết Kiev luôn sẵn sàng đàm phán với Nga liên quan đến các vấn đề mà Mát-xcơ-va quan tâm như quyền lợi của người Nga tại Crimea. Ông cũng nói rằng Kiev sẵn sàng đối thoại về việc tăng quyền cho khu tự trị Crimea, từ thuế đến các vấn đề khác như ngôn ngữ. Song, ông Yatsenyuk khẳng định lập trường "Ukraina là một phần của phương Tây". Trong lời cảm ơn sự ủng hộ từ Washington, ông Yatsenyuk còn nhấn mạnh Kiev sẽ chiến đấu vì chủ quyền và "chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng". Tuy nhiên, theo tuyên bố của quyền Tổng thống Ukraina Oleksandr Turchynov hôm 11-3, Kiev sẽ không can thiệp bằng quân sự vào Crimea.

Phương Tây chuẩn bị các cấm vận mới

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 12-3 đã thông qua dự luật hạn chế đi lại ở Mỹ và phong tỏa tài sản của các quan chức Nga có liên quan đến vấn đề Ukraina. Tuy nhiên, dự luật này cần phải được lưỡng viện quốc hội thông qua. Ngoài ra, Washington cũng phát tuyên bố chung của nhóm G7 đòi Nga ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea, hoặc ngược lại sẽ đối mặt những trừng phạt đơn phương hoặc tập thể. Các nước này cũng đe dọa tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8 tại Nga vào tháng 6 tới.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 12-3 đã thông qua các hình thức cấm vận đối với Nga với cáo buộc xâm hại chủ quyền Ukraina. Các cấm vận bao gồm cấm ra vào châu Âu và đóng băng tài sản của một loạt các quan chức và công ty của Nga. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các biện pháp trừng phạt này sẽ có hiệu lực từ ngày 17-3 tới nếu Mát-xcơ-va không đạt được tiến triển ngoại giao nào quanh vấn đề Ukraina. Các cấm vận của EU tương tự như của Washington nhưng có thể sẽ gây tổn hại nặng nề cho Nga vì EU là khách hàng lớn nhất về dầu khí của xứ sở bạch dương. Kim ngạch mậu dịch song phương năm 2012 lên đến 335 tỉ euro, gấp gần 10 lần giao thương giữa nước này với Mỹ.

Đáp lại, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Aleksey Ulikaev tuyên bố Mát-xcơ-va sẽ chuyển sang giao dịch bằng đồng rúp nếu phương Tây áp đặt trừng phạt.

THUẬN HẢI
(Theo Reuters, AP, AFP, Interfax)

Andriy Parubiy, Thư ký Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraina, cáo buộc Nga triển khai hơn 80.000 quân, khoảng 270 xe tăng và 140 máy bay chiến đấu gần biên giới làm trỗi dậy nguy cơ về một cuộc xâm lược Ukraina với quy mô lớn từ nhiều hướng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov hôm qua đã phủ nhận tin Mát-xcơ-va cho dàn quân cách biên giới gần 2.000 km. Ngoài ra, ông cho biết Nga vừa chấp thuận đề nghị của Ukraina, cho phép Kiev có một chuyến bay do thám trên lãnh thổ Nga. Ông Antonov nói rằng động thái này nhằm để "Ukraina có thể chính mắt thấy rằng quân đội Nga không có bất kỳ hoạt động quân sự nào gần biên giới Ukraina mà có thể đe dọa đến an ninh nước láng giềng".

Trong khi đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hôm 12-3 đã cho hai máy bay do thám giám sát không phận Ukraina và hoạt động tàu thuyền tại biển Đen. Lầu Năm Góc cũng cho biết sẽ đưa 12 máy bay chiến đấu F-16 đến Ba Lan để tăng cường không lực tại khu vực trên. Trong khi đó, Nga đã triển khai 4 máy bay tại Belarus. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết sẵn sàng tiếp nhận thêm 12-15 máy bay chiến đấu của Nga để hỗ trợ Mát-xcơ-va trong cuộc đối đầu này.

Chia sẻ bài viết