19/07/2009 - 07:40

Mỹ - Ấn Độ hướng đến “đối tác định hướng toàn cầu”?

Bà Hillary Clinton được các quan chức Mumbai chào đón trong cơn mưa nặng hạt. Ảnh: AFP 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tối 17-7 đã tới thành phố Mumbai bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên kéo dài 4 ngày. Theo kế hoạch, hôm nay (19-7), bà sẽ đến Thủ đô New Delhi chuẩn bị cho một loạt cuộc gặp với Thủ tướng Manmohan Singh, Ngoại trưởng S.M Krishna và các thủ lĩnh chính đảng khác ở Ấn Độ.

Theo các nguồn tin, mục tiêu của chuyến công cán khá dài tại quốc gia Nam Á này là để thúc đẩy tiến trình hợp tác chiến lược trên lĩnh vực an ninh, thương mại, kiểm soát vũ khí và chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, Washington yêu cầu New Delhi hậu thuẫn Islamabad trong cuộc chiến chống khủng bố, dù bản thân Ấn Độ thường xuyên bị các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Pakistan tấn công. Mỹ lo ngại nếu không có sự hợp tác của New Delhi thì Islamabad khó lòng đảm bảo an ninh quốc gia và điều này sẽ là nguy cơ lớn trong bối cảnh lực lượng thân Taliban và al-Qaeda đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Pakistan.

Về thương mại, Mỹ muốn cùng Ấn Độ giải quyết những bất đồng về chính sách bảo hộ mậu dịch để nâng chất quan hệ song phương, đồng thời làm cơ sở thúc đẩy vòng đàm phán thương mại toàn cầu. Tuy hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ tính trên cả lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, nhưng Ấn Độ chỉ là bạn hàng thứ 17 của Mỹ. Về chống biến đổi khí hậu, Nhà Trắng hy vọng Ấn Độ sẽ nhất trí kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các nước công nghiệp phát triển đưa ra tại hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Đan Mạch vào tháng 12 tới.

Mục đích chính trong chuyến công du của bà Hillary, theo các nhà phân tích, là nhằm đạt được các thỏa thuận về kiểm soát vũ khí liên quan đến máy bay chiến đấu hiện đại và công nghệ năng lượng hạt nhân mà Mỹ sắp cung cấp cho Ấn Độ. New Delhi là khách hàng tiềm năng của các tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu của Mỹ nhưng hai bên còn bất đồng về bản quyền và bí mật công nghệ vũ khí. Cung cấp công nghệ năng lượng hạt nhân cũng là vấn đề làm Mỹ lo ngại, cho dù Ấn Độ đã đồng ý để các chuyên gia năng lượng nguyên tử quốc tế sang kiểm tra các cơ sở hạt nhân phi quân sự theo yêu cầu của quốc hội Mỹ trước khi thông qua thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ hạt nhân dân sự cho Ấn Độ hồi năm ngoái.

Về tầm nhìn chiến lược, các nhà phân tích cho rằng Mỹ đã nhận thấy trước những lợi ích to lớn từ quốc gia đông dân thứ hai thế giới này trong vài thập niên tới, nhất là khả năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2030. Thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, Mỹ hy vọng có thể nói với các nước đang phát triển rằng đây là “bộ đôi” lý tưởng, thể hiện sự hợp tác Bắc-Nam và nhất là sự kết giao giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới và quốc gia mà Mỹ gọi là “nền dân chủ lớn nhất hành tinh”. Nói theo ông Robert Blake, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á, chính quyền Tổng thống Obama hiện nay xem Ấn Độ là “đối tác thật sự quan trọng, không chỉ giải quyết các vấn đề song phương mà còn có thể định hướng cho thế giới trong thế kỷ 21”. Để thực hiện tham vọng trở thành “đối tác định hướng toàn cầu”, Mỹ sẽ xây dựng lộ trình đối thoại trực tiếp với Ấn Độ về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm, đặc biệt là những vấn đề ở các khu vực mà Ấn Độ có vai trò quan trọng như Nam Á, Vịnh Persic, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương.

Ấn Độ từng là đối trọng của Mỹ thời Chiến tranh lạnh và không được Mỹ chủ trương xích lại gần vì quan điểm ngoại giao “không liên kết” của New Delhi. Liệu chính quyền Obama có lái được New Delhi đi theo ý đồ của Mỹ?

KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, VOA, CFR)

Chia sẻ bài viết