25/07/2012 - 20:43

Đọc “Oxford thương yêu”

Muốn khẳng định bản thân phải dấn thân

 

“Oxford thương yêu” của tác giả Dương Thụy nói về sự trải nghiệm thú vị của một cô gái Việt du học ở trời Tây. Câu chuyện mang thông điệp về sự nỗ lực để thành công và sống có trách nhiệm với cuộc đời mình của người trẻ...

Sách do NXB Trẻ phát hành tháng 4 năm 2012.

Mở đầu với khung cảnh cổ kính ở một ngôi trường độc lập thuộc Đại học Oxford. Thiên Kim là một du học sinh hệ Cao học bằng học bổng của chính phủ Anh. Cô nhập học trễ nên gặp nhiều khó khăn. May mắn, cô được Fernando Carvalho - trợ giảng của giáo sư Baddley - đỡ đầu. Nhờ Fernando nghiêm khắc và hướng dẫn tận tình nên Thiên Kim hoàn thành chương trình học sớm hơn dự định. Khi cả hai bắt đầu có tình cảm với nhau cũng là lúc Thiên Kim phải trở về nước, còn Fernando được mời tham gia nghiên cứu một dự án kinh tế lớn ở Mỹ...

Đọc “Oxford thương yêu”, độc giả cảm nhận được tinh thần học hỏi, nghị lực vươn lên của một người trẻ tuổi, dám dấn thân để khẳng định giá trị chính mình. Thiên Kim sinh ra trong một gia đình gia giáo, quen được ba mẹ quan tâm chăm sóc. Ở nơi đất khách, cô gái trẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả: sức khỏe sa sút, chương trình học tập khắc nghiệt, bạn bè kỳ thị, lạ lẫm về nền văn hóa, Thiên Kim luôn mang cảm giác trơ trọi, cô đơn vì thiếu hơi ấm quen thuộc của quê hương... Từ những trải nghiệm vui buồn, Thiên Kim đã tập cho mình sống độc lập, biết tự chăm sóc bản thân, hoạch định kế hoạch tương lai, hòa nhập dần với môi trường mới. Thành công đối với cô gái trẻ không chỉ là tấm bằng cao học mà còn là sự vượt qua chính mình.

“Oxford thương yêu” được ví như một bản tình ca ngọt ngào, ấm áp của hai con người đến từ 2 đất nước khác nhau, đặt trong không gian của một Oxford cổ kính, thi vị với những “college đẹp kiêu hãnh như những lâu đài với cánh cổng bằng gỗ chạm khắc công phu và những ngọn tháp vươn cao huyền bí... cầu thang đá nhỏ hẹp và những hành lang dài vô định” (Trang 8). Mối tình giữa Thiên Kim và Fernando hết sức dễ thương với nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn, hờn giận, có cả nỗi nhớ “miên man” khi xa cách... Sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa không còn là rào cản khi cả hai biết thông cảm và thấu hiểu nhau, cùng hướng đến lý tưởng sống cao đẹp. Thiên Kim chạy đua với thời gian để sớm hoàn thành khóa học, tạo được cái nhìn thiện cảm về người Việt trẻ cần nhẫn, tự tin. Fernando toát lên được sự độc lập, năng động, cởi mở của một thanh niên ngoại quốc, biết định hướng cho tương lai... Cái kết tràn ngập niềm tin yêu của đôi bạn trẻ đã làm cho “Oxford thương yêu” thêm đáng nhớ trong lòng bạn đọc, đưa mọi người bước vào giới tình cảm trong trẻo, tươi đẹp của lứa tuổi đôi mươi.

“Oxford thương yêu” có văn phong trẻ trung, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Gấp sách lại, người đọc vẫn còn thấy bâng khuâng...

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết