05/03/2016 - 14:31

Mực nước biển trong thế kỷ 20 dâng nhanh hơn so với 2.700 năm trước

Đó là kết luận chung vừa được 10 chuyên gia khí hậu từ các trường đại học trên thế giới công bố trong Kỷ yếu của viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS), sau khi tiến hành mô phỏng lịch sử mực nước biển dâng cao trong vòng 3.000 năm trở lại đây.

Trong nghiên cứu nói trên, nhóm chuyên gia đã sử dụng hệ thống thống kê mới để tái dựng lại 1.300 lần thay đổi mực nước biển tại 24 địa điểm trên khắp thế giới, cùng với số liệu đo từ 66 khu vực có thủy triều. Kết quả cho thấy, theo như số liệu ghi nhận của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), mực nước biển toàn cầu đang dâng cao với tốc độ 1,4 mm mỗi năm trong thế kỷ vừa qua, đẩy tốc độ dâng mực nước biển hiện thời ở mức 3,4 mm mỗi năm. Điều này chứng tỏ nước biển địa cầu vẫn đang tiếp tục dâng.

Nước biển dâng cao có nguy cơ "xóa sổ" các quần đảo nhỏ trên thế giới. Ảnh: Eye on Latin America

Trưởng nhóm nghiên cứu Bob Kopp - chuyên gia khí hậu ở Đại học Rutgers (Mỹ) - khẳng định rằng họ chắc chắn đến 95% khả năng tốc độ nước biển dâng trong thế kỷ 20 nhanh hơn so với bất kỳ thế kỷ nào tính từ năm 800 trước Công nguyên. "Mực nước biển dâng trong thế kỷ 20 là bất thường so với bối cảnh trong 3 thế kỷ vừa qua, và tốc độ nước biển dâng trong 2 thập niên rồi thậm chí còn nhanh hơn thế"- Kopp cảnh báo.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu phát hiện việc mực nước biển dâng "mang tính lịch sử" ấy đã bắt đầu kể từ thế kỷ 19. Và thế kỷ 20 cũng không phải là giai đoạn duy nhất mà nhiệt độ Trái đất và mực nước biển cùng thay đổi. Bằng chứng là mực nước biển địa cầu đã giảm khoảng 80 mm từ năm 1.000 đến năm 1.400 – giai đoạn nhiệt độ toàn cầu giảm khoảng 0,2 độ C.

Tác động nghiêm trọng tới con người

Báo cáo năm 2013 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đánh giá, đến 95% khả năng hoạt động của con người đã tạo nên ít nhất phân nửa những thay đổi về khí hậu trong nửa cuối thế kỷ 20. Việc mực nước biển đang dâng cao chính là tác động đáng chú ý nhất mà con người gây ra đối với thay đổi khí hậu.

Đáng lo ngại là các nhà khoa học vừa dự báo mực nước biển địa cầu có thể sẽ dâng thêm từ 0,5-1,3 mét vào cuối thế kỷ 21, nếu như lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính không nhanh chóng giảm xuống. Theo đó, khi đại dương "tấn công" vào các thành phố ven biển thì dấu hiệu đầu tiên sẽ là ngập lụt do nước biển xâm nhập vào khu vực đô thị. Hiện tượng này diễn ra tự nhiên, nhưng cũng chịu ảnh hưởng từ việc nước biển đang dâng cao nhanh chóng. Trước nguy cơ các thành phố ven biển bị ngập lụt, Ngân hàng Thế giới mới đây cảnh báo mức thiệt hại kinh tế trung bình vì bão lũ toàn cầu sẽ tăng từ 6 tỉ USD năm 2005 lên tới 52 tỉ USD/năm vào khoảng năm 2050 nếu các thành phố ven biển không triển khai bất cứ biện pháp đối phó nào.

Trong khi đó, số liệu thống kê ước tính khoảng 147-216 triệu người đang sống ở những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do mực nước biển dâng cao. Hơn 10 triệu người tại 12 nước đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ bị mực nước biển dâng cao gây hại, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Indonesia và Nhật Bản. Trong số đó, Bangladesh là nước dễ bị tổn thương nhất trước mối đe dọa mực nước biển dâng cao. Cụ thể là nếu mực nước biển dâng cao 1,5 mét trong thế kỷ 22, nó sẽ ảnh hưởng đến 22.000 km2 đất (chiếm 16% tổng diện tích) và 17 triệu người dân (15% tổng dân số) của Bangladesh.

Mặt khác, việc mực nước biển dâng cao còn dẫn tới nguy cơ khan hiếm nước ngọt do hiện tượng xâm nhập mặn. Nhiều khu vực ven biển vốn dựa vào các tầng địa chất chứa nước để khai thác nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp. Do vậy, khi nguồn nước này bị nhiễm mặn, nó sẽ không an toàn cho con người sử dụng cũng như tưới cho cây trồng, trong khi việc khử muối khỏi nước ngọt đòi hỏi quy trình xử lý phức tạp và tốn kém.

Ngoài ra, mực nước biển dâng cao cũng ảnh hưởng tới đời sống và tập quán sinh trưởng của các loài thực vật và động vật dưới đại dương. Đơn cử như loài rùa biển và một số loài thực vật đầm lầy đều đã cho thấy xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng và số lượng do tác động của mực nước biển dâng cao.

NG. CÁT (Theo CNN, MNN)

Chia sẻ bài viết