04/02/2008 - 20:44

Mùa xuân nơi tuyến đầu Tổ quốc...

Ghi chép  PHƯƠNG NGHI

Ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ...
Nặng tình non sông, canh giữ nơi miền đất mẹ...(*)

Tôi đến thị trấn Chi Lăng, nơi đóng quân của Đoàn B30 (QK9), vào một ngày cuối năm. Dọc đường đi, đã thấy mai vàng nở sớm rung rinh khoe sắc trong sương mai, những vườn cây ăn trái và đồng lúa trĩu hạt trải dài theo con đường dốc núi cong cong. Nơi biên giới Tây Nam này, quân và dân ta đã đổ bao máu xương để giành độc lập, tự do, giữ vững chủ quyền cho đất nước. Và hôm nay, khi mọi người đang náo nức đón xuân về, những người lính vùng biên giới vẫn đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữ cho mùa xuân yên vui đến với mọi nhà...

Chiếc xe chở chúng tôi chầm chậm leo lên những con đường dốc, những khúc quẹo quanh co, qua chợ Xuân Tô, Nhà Bàn, đến thị trấn Chi Lăng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Đón chúng tôi nơi cổng doanh trại là đại úy Nguyễn Ba Sơn, Trợ lý phòng Tuyên huấn, có gương mặt rắn rỏi và nụ cười dễ mến. Vừa mở cửa xe, cái nắng cháy da thịt “táp” ngay vào mặt, ấy vậy mà Đại úy Sơn cứ xuýt xoa: “Nắng hôm nay cũng biết đón khách hay sao mà dịu hơn hẳn mọi ngày. Chứ các tân binh mới nhập ngũ lên đây ai cũng bị cái nắng “hành” một trận cảm, 3, 4 ngày sau mới quen. Nhưng quen rồi thì sẽ thấy khỏe ra! Còn ở lâu như tôi thì ghiền luôn nắng, gió nơi này!”.

 Các chiến sĩ mới ở Đại đội 1, Phân đội 12, Đoàn B30 trong giờ huấn luyện tại thao trường.
Ảnh: THANH BẠCH

Theo chân đại úy Sơn tham quan một vòng doanh trại, tôi nhiều lần dừng chân trước những vườn hoa kiểng rực rỡ dọc các lối đi và trong khuôn viên sinh hoạt của các phân đội. Sức sống Chi Lăng không chỉ tỏa ra từ màu xanh cây lá phủ trùm đá núi, mà còn ở sức trẻ của những con người đang độ tuổi thanh niên, những chiến sĩ mới vừa nhập ngũ đợt 2 năm 2007 vừa rồi. Vào mùa huấn luyện, không khí học tập của toàn đơn vị nghiêm túc, khẩn trương. Dọc theo lối đi, từng nhóm đang miệt mài tập các động tác điều lệnh đội ngũ dưới sự điều khiển của người chỉ huy. Những đôi chân, đôi tay còn chưa thuần thục với những động tác quay phải, quay trái, đi đều... Ngoài thao trường, các chiến sĩ mới đang tập các tư thế bắn súng, chiến đấu dưới công sự, một nhóm khác đang chăm chú nghe chỉ huy giới thiệu về “bếp Hoàng Cầm”... Trên những gương mặt rám nắng lộ rõ vẻ tập trung, dù quần áo lấm lem, mồ hôi ướt đẫm...

Thấy tôi đến gần bắt chuyện với một nhóm chiến sĩ đang giải lao, anh Sơn cho biết: “Chiến sĩ mới ở các phân đội trực thuộc Đoàn 30 đợt này đa số là người Cần Thơ, không chừng chị sẽ gặp người thân”. Và dẫu không gặp người thân, tôi cũng được các chiến sĩ mới chào đón như một người thân, với những tâm sự được bộc lộ cởi mở, chân thành. Chiến sĩ mới Trần Thanh Hải, ở Đại đội 3, Phân đội 11, quê ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, xăn tay áo, khoe nước da rám nắng, nói: “Bây giờ không ai chọc em là “tiểu thư” như hồi trước nữa”, làm mọi người cười ồ. Hóa ra, cái biệt danh “tiểu thư” mà các bạn trong đơn vị hay trêu không chỉ vì Hải có nước da trắng, dáng người mảnh khảnh, mà vì hôm mới nhập ngũ, làm việc gì Hải cũng lúng ta lúng túng.

Là “quý tử” trong gia đình khá giả, nên khi ở nhà mọi việc từ nhỏ đến lớn Hải đều có mẹ lo. Gia đình động viên Hải vào bộ đội với mong muốn môi trường quân ngũ sẽ rèn Hải nên người. Lúc đầu, do không quen lao động nên những công việc tưởng chừng như đơn giản như xếp chăn, màn, thu xếp quân tư trang đúng vị trí, với Hải cũng là việc khó. Có lần, vì mải chơi thể thao mà Hải về tắm trễ, cả Trung đội bị chỉ huy phạt chạy 3 vòng sân mới được đi ăn cơm. Thấy đồng đội vì mình mà bị “vạ lây”, Hải quyết tâm sửa chữa khuyết điểm. Với sự động viên, hướng dẫn tận tình của chỉ huy, sự giúp đỡ của đồng đội, Hải đã từng bước rèn luyện tác phong nhanh nhạy, tuân thủ kỷ luật nghiêm và luôn nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện, được chỉ huy nhiều lần biểu dương. Vào quân đội sinh hoạt có giờ giấc, ăn uống điều độ nên Hải lên được 3kg so với lúc còn ở nhà. Từ chỗ chẳng biết làm gì, bây giờ Hải có thể thành thạo cuốc đất, trồng rau, sửa sang doanh trại..., nước da ngăm đen nên trông chững chạc hơn hẳn. Hải bộc bạch: “Cuộc sống trong quân đội đã giúp em đã học được nhiều điều mà ở nhà em không học được, nhất là ý thức vì tập thể. Em sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng tin của thủ trưởng, các đồng đội và gia đình dành cho mình”.

Các chiến sĩ đang tăng gia sản xuất. Ảnh: 

Khác với Hải, Vũ Trường Giang, ở trung đội 2, đại đội 1, phân đội 12, quê ở phường Phước Thới, quận Ô Môn là con nhà nòi. Cha là thiếu tá Vũ Đức Tịch, từng có thời gian dài công tác ở Trung đoàn Hải quân 962, sau khi về hưu là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phước Thới. Ngay từ khi còn nhỏ, Giang đã mơ ước lớn lên được nối nghiệp cha, trở thành bộ đội. Năm 2004, tốt nghiệp tú tài, Giang đi khám tuyển và... rớt vì sức khỏe kém. Với quyết tâm “cải thiện” mình để được nhập ngũ, Giang siêng năng tập thể dục, giữ gìn sức khỏe. Buổi tối, Giang tham gia lực lượng dân quân tự vệ ở khu vực Thới Trinh. Nhờ tích cực tham gia tuần tra, dẹp được mấy vụ tập tụ, gây rối trật tự công cộng, Giang được các đồng chí ở đảng ủy phường tuyên dương, đưa vào diện chăm bồi kết nạp Đảng. Năm 2007, Giang cùng lúc có được 3 niềm vui là tốt nghiệp lớp Trung cấp tin học, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có điều kiện tìm hiểu về quân đội nên sau khi nhập ngũ, Giang không bỡ ngỡ, thích nghi nhanh với môi trường mới. Nhắc đến Giang, nhiều đồng đội không giấu sự nể phục bởi bản lĩnh và ý chí vượt khó không ngừng vươn lên. Không chỉ phấn đấu cho mình, Giang luôn gần gũi, động viên giúp đỡ các đồng đội, là hạt nhân đoàn kết giữa các chiến sĩ trong đơn vị. Chiến sĩ mới Võ Đặng Thế Huy, cùng đơn vị với Giang, kể: “Lúc trước, một số chiến sĩ mới sắp xếp chăn màn chưa đúng quy định, trong giờ sinh hoạt chung buổi tối Giang tận tình hướng dẫn. Sống nghiêm khắc với bản thân, Giang cũng rất tích cực đóng góp ý kiến để các đồng chí khắc phục hạn chế, cùng nhau tiến bộ”. Khi tôi hỏi “Chế độ sinh hoạt, luyện tập ở đây khá nghiêm, sức khỏe của các em có bảo đảm không?”. Giang cười tươi, khoe: “Cuộc sống bộ đội dù có chặt chẽ về thời gian, nhưng giờ giấc khoa học. Bên cạnh đó, tụi em được chỉ huy và những đồng chí nhập ngũ trước quan tâm giúp đỡ rất tận tình, từ việc giúp các em ổn định tư tưởng, nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, đến việc đảm bảo nơi ăn ở, các điều kiện sinh hoạt, chế độ tiêu chuẩn quân lương, quân trang... cho chiến sĩ, nên đa số tụi em đều có sức khỏe rất tốt”.

Tôi từng nghe đại tá Phan Minh Tài, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy QK9, người có mặt tại Chi Lăng từ những ngày đơn vị mới đóng quân nơi đây, kể: Khi tập đoàn Pônpốt, Iêngxari ở Campuchia xâm lấn biên giới Tây Nam của ta, vùng đất này là một trong những nơi bị tàn phá nhiều nhất. Khi Đoàn B30 về đóng quân tại đây, nơi này vẫn còn heo hút. Cả khu vực chưa có điện, doanh trại xuống cấp nghiêm trọng. Những đêm trời lạnh, anh em co ro gần nhau truyền hơi ấm. Vào mùa khô, thiếu nước sinh hoạt, đơn vị phải chở từng thùng nước về để nấu ăn, còn bộ đội ta thì “hành quân” đi... tắm. Nước không đủ để người dùng nên càng không có để tưới rau, mấy tháng mùa khô cả đơn vị khan hiếm rau xanh... Bây giờ, toàn bộ các lối đi chính trong doanh trại đều được tráng nhựa, mát rượi nhờ hàng cây bạch đàn vươn bóng. Khu vực Sở Chỉ huy của Đoàn bộ và các Phân đội được xây dựng mới, giường nằm, bàn ghế sinh hoạt cho các chiến sĩ được bảo đảm. Mỗi phân đội đều có hội trường để làm nơi học tập, sinh hoạt, được trang bị đầu VCD, Karaoke, 100% đại đội và trung đội độc lập có ti vi màu, sách báo tạp chí đầy đủ... Chiến sĩ mới Lê Long Hồ, ở Đại đội 3, Phân đội 11, cho biết thêm: “Chế độ ăn của các chiến sĩ cũng được bảo đảm, ngoài tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng, đơn vị còn trích từ tiền tăng gia sản xuất đưa thêm vào khẩu phần ăn của mỗi chiến sĩ từ 1.500 - 2.000 đồng/ngày. Bữa ăn thường có đủ 3 món canh, xào và món mặn, nhiều bữa ăn ngon hơn ở nhà”...

Bên cạnh sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự động viên giúp đỡ, cùng chia ngọt sẻ bùi của các đồng đội cũng là một động lực giúp các chiến sĩ vượt qua những khó khăn, an tâm học tập, công tác. Ở đại đội 2, phân đội 10, không ai là không biết câu chuyện của chiến sĩ mới Võ Minh Thiện. Gia đình Thiện thuộc diện hộ nghèo ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ba mẹ đều đi bán vé số, hàng ngày, Thiện đi làm hồ lấy tiền phụ giúp cha mẹ nuôi em gái đi học. Vất vả như vậy, nhưng tối nào Thiện cũng miệt mài học tập. Năm 2007, Thiện đậu tốt nghiệp lớp 12 và đậu luôn vào Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Thiện kể với tôi: “Lúc mới hay tin trúng tuyển, nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình, em cũng lo lắng lắm. Nhưng ba mẹ em động viên, bảo em yên tâm, vì nhà em vừa được xây dựng “Nhà tình thương”, nếu gặp khó khăn thì có chính quyền địa phương, bà con chòm xóm giúp đỡ, nên em đã nộp đơn tình nguyện nhập ngũ”. Nhập ngũ không lâu, Thiện nhận thư em gái cho hay căn bệnh hen suyễn của ba trở nặng. Mẹ ngoài bệnh khớp, giờ phát hiện thêm bị bệnh tim, sức khỏe rất kém. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến Thiện không thể an tâm học tập. Mặc dù Thiện không kể chuyện mình với ai, nhưng các đồng chí trong Trung đội đã tìm hiểu và biết hoàn cảnh của Thiện. Vừa động viên, cổ vũ Thiện về mặt tinh thần để vượt qua khó khăn, các tân binh ở Trung đội 6 còn bí mật hùn tiền gởi về giúp gia đình Thiện 500.000 đồng và gửi tiền để mẹ lên thăm Thiện. Nhắc lại chuyện này, Thiện vẫn còn xúc động: “Lúc nghe chỉ huy báo có người nhà đến thăm, em cứ ngỡ các anh nhầm. Qua lời kể của mẹ, em mới hiểu được tấm lòng của các đồng đội dành cho mình. Em sẽ cố gắng học tập, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và mong muốn được phục vụ lâu dài trong quân đội, không phụ lòng mong mỏi của gia đình và tình cảm của các đồng đội”... Lời bộc bạch của Thiện làm nhiều tân binh có mặt nơi ấy xúc động rưng rưng nước mắt. Thiếu tá Đỗ Xuân Phiệt, Chính trị viên Phân đội 10, cho biết: “Hôm nghe câu chuyện của Thiện, chỉ huy đơn vị cũng rất bất ngờ. Chúng tôi đã kể cho các chiến sĩ mới nghe câu chuyện của Thiện trong các buổi sinh hoạt ở các Đại đội, coi đây là một bài học chính trị về tinh thần đồng đội, để các chiến sĩ mới hiểu và quan tâm hơn đến những người đồng chí của mình”.

Sau giờ huấn luyện trên thao trường là giờ thể thao và tăng gia. Môn ưa thích nhất của các chiến sĩ mới là bóng chuyền và bóng đá. Vẫn là những tiếng la hét cổ vũ, tiếng xuýt xoa tiếc nuối khi những pha bóng hay bị bỏ dở như ở những sân thể thao khác. Nhưng ở đây, lúc nào lời cổ vũ cũng có tiếng “đồng chí” đi kèm. “Tạt qua cánh trái đồng chí Minh ơi”! “Chuyền cho Hải kìa đồng chí Vũ”, “Đồng chí Tuấn cố lên!”... làm cho sân bóng thêm sôi động. Trước khuôn viên của Phân đội 11, một nhóm chiến sĩ mới người cuốc đất, người tưới rau, tưới hoa. Chiến sĩ mới Bùi Tuấn Khanh chỉ cho tôi cây mai chiếu thủy được tháp vào gốc cây sapô rừng để tạo thành một “bonsai” đẹp và lạ mắt, rất “độc quyền” của lính núi Chi Lăng. Bên cạnh gốc mai to có một cây mai khác nhỏ hơn, đang bén rễ, xanh mầm. Khanh bảo đó là cây mai của những chiến sĩ mới trong Trung đội Khanh trồng. Cẩn thận rưới nước để những chồi mai mỏng manh không bị gãy, Khanh nói với giọng tin tưởng: “Mai mốt, khi tụi em kết thúc thời gian phục vụ tại ngũ, chắc là cây mai này đã vững chãi, như những cây mai kia, hén chị!”.

Buổi tối hôm ấy, tôi và các anh, chị trong đoàn đi đã có một buổi sinh hoạt văn nghệ thật vui cùng các chiến sĩ mới ở đại đội 2, phân đội 10. Các chiến sĩ ngồi sát bên nhau thành một vòng tròn. Những bàn tay nắm lấy bàn tay, xiết chặt. Vẫn là những bài hát tập thể truyền thống, những bài vọng cổ “cây nhà lá vườn”, nhưng dường như đã giúp các chiến sĩ mới xóa tan mệt mỏi sau những ngày huấn luyện vất vả trên thao trường và tạm quên đi nỗi nhớ nhà. Mãi đến khi có tiếng còi báo, các chiến sĩ mới chia tay nhau, trở về các đơn vị chuẩn bị đi ngủ, để đảm bảo sức khỏe cho một ngày học tập, rèn luyện mới vào sáng mai...

* * *

Chúng tôi rời Chi Lăng khi đồng hồ đã chỉ hơn 22 giờ đêm. Tiễn chúng tôi là các đồng chí ở Phòng Chính trị Đoàn B30, đại úy Nguyễn Ba Sơn, và cái lạnh cắt da thay cho cái nắng buổi sáng. Trong ánh sáng lờ mờ, vẫn nhìn thấy rõ bóng một chiến sĩ đứng nghiêm trên vọng gác, dõi ánh mắt nhìn về phía xa. Bất giác, tôi nhìn lên triền núi mờ mờ một màu thẫm phía sau lưng doanh trại, tự hỏi không biết giờ này có bao nhiêu chiến sĩ đang đứng gác giữa tiết trời giá lạnh của biên giới Tây Nam này. Những chiến sĩ ấy, cũng như những chiến sĩ mới mà tôi đã gặp hôm nay đang viết tiếp bài ca hào hùng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn B30, cống hiến tuổi thanh xuân của mình vì sự bình yên của đất nước, của nhân dân. Sức sống tuổi xuân, bầu nhiệt huyết rừng rực và tinh thần bất khuất của họ chính là sức mạnh phòng thủ vững chắc nhất, để mùa xuân trên vùng đất thiêng liêng này được trường tồn...

Trong đoàn, có tiếng ai đó hát khe khẽ: “Cho em thơ ngủ ngon, và vui bước sớm hôm tới trường. Cho yên vui mùa xuân, đôi lứa còn hẹn hò ước mơ... Dẫu có những gian lao, dẫu có những nhọc nhằn”... (*).

(*) Nhạc phẩm “Hát về anh” của nhạc sĩ Thế Hiển

Chia sẻ bài viết