02/11/2008 - 09:06

Mưa lũ làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỉ đồng

Bùng binh Phạm Hùng - Trần Duy Hưng (Hà Nội) thành biển nước. Ảnh chụp lúc 8 giờ sáng ngày 1-11. Ảnh: CHÍ HIẾU (VietNamNet)

* Hà Nội: Chợ “cháy” hàng, thực phẩm tăng giá

(VOV) - Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, trận mưa lũ lớn xảy ra mấy ngày qua tại các tỉnh, thành phía Bắc đã làm 33 người chết, gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội là địa phương có số người bị chết nhiều nhất do mưa lũ – 9 người, chủ yếu là học sinh.

Tin từ UBND thành phố Hà Nội, đến sáng 1-11, theo ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại do trận mưa lớn kỷ lục từ đêm 30-10 đã lên đến xấp xỉ 3.000 tỉ đồng. Trên 10.000 hộ dân ven đê, vùng trũng dọc theo các triền sông bị ngập nhà cửa và nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị ngập úng.

Đáng chú ý, diện tích cây trồng vụ đông bị úng ngập, khả năng không còn cho thu hoạch lên đến 45.000 ha, giá trị thiệt hại khoảng 450 tỉ đồng. Diện tích thủy sản bị ngập khoảng 9.000 ha, ước thiệt hại khoảng 810 tỉ đồng. Mưa lớn gây sự cố mất điện nhiều khu vực như trạm Ba La, Đồng Bông, Cầu Diễn, Mễ Trì, gây nhiều khó khăn cho việc bơm tiêu chống úng, điều hành chỉ đạo chống úng và sinh hoạt của nhân dân.

Tuyến đê sông Hồng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông. Trong đó, huyện Mê Linh xảy ra hiện tượng sạt trượt mái đê khu vực xã Chu Phan, sạt lở bờ sông khu vực xã Tráng Việt. Huyện Đan Phượng xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng khu vực bờ sông thuộc xã Liên Trung. Các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà, nhiều đoạn bị tràn bờ, sạt lở. Hầu hết các hồ chứa nước, mức nước đã dâng cao hơn ngưỡng tràn từ 1-2m. Nguy cơ đe dọa đến an toàn của hồ đập, trong đó có hồ Miễu (huyện Chương Mỹ) và hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức).

Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết: mực nước tại các sông mương hồ đều ở mức rất cao, không còn khả năng điều hòa, việc thoát nước trên toàn địa bàn Hà Nội phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm Yên Sở với công suất 45 m3/s. Tuy nhiên đến rạng sáng 1-11, mực nước trên kênh dẫn vào trạm bơm đã đạt cao độ 5.40 tương đương với cao độ của sàn máy bơm.

Tại cuộc họp bàn giải pháp phòng chống mưa lũ diễn ra sáng 1-11, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai phương án phòng chống lũ theo cấp báo động. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông có nguy cơ bị ngập, lũ quét, sạt lở đất phải tổ chức sơ tán để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; Quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, các đoạn đường bị ngập, chính quyền cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm về việc hoạt động giao thông thủy ở khu vực có lũ. Rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập, duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 24 năm, thậm chí còn lớn hơn lượng mưa lịch sử năm 1984. Trận mưa này còn tiếp tục trong vòng 2 ngày nữa do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh tràn xuống miền Bắc. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to nhiều nơi, một số nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được vào lúc 7 giờ sáng 1-11 tại trung tâm thành phố Hà Nội đã đạt 420mm, vượt xa mức lịch sử năm 1984 (mức kỷ lục năm 1984 là 394mm); Hà Đông là 627mm; Thượng Cát gần 420 mm, Trâu Quỳ 408 mm, Đông Anh 442mm... Đáng lo ngại là nhiều khả năng trong ngày hôm nay (1-11) lượng mưa tiếp tục bổ sung từ 150 đến 200mm.

Đây là trận mưa diễn ra rất bất thường và phức tạp trong vòng hàng chục năm qua, đặc biệt lại rơi vào trung tâm Thủ đô Hà Nội gây bất ngờ cho các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn bởi theo quy luật hàng năm, thời điểm này mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ đã kết thúc. Chính vì sự bất thường, trái với quy luật này nên các chuyên gia dự báo cho rằng đợt mưa này sẽ còn diễn biến phức tạp và vô cùng khó lường.

* Mưa to, úng ngập kéo dài trong 2 ngày khiến nhiều chợ ở Hà Nội trong cảnh ngập lụt, người bán hàng nghỉ chợ, lương thực, thực phẩm khan hiếm, giá cả leo thang, cảnh mua bán chụp giật như đi chợ ngày Tết.

Hàng ngày, chợ Đại Từ khu Linh Đàm lúc nào cũng đầy ắp rau xanh, thịt cá nhưng sáng 1-11, chợ ngập từ cổng vào trong, chỉ vài hàng thịt chuyển ra ngoài cổng, khách mua hàng xúm đông. Thực phẩm tăng giá khoảng 20% nhưng vẫn không có hàng để bán. Giá rau xanh tăng gấp 4-5 lần ngày thường, 15.000 đồng/ 1 mớ rau muống, 8000 đồng/1 mớ rau lang bé bằng nắm tay. Chợ Nhân Hòa cũng trong tình trạng “cháy” thực phẩm, mọi thứ đều tăng giá. Khu Mễ Trì Hạ có vài hàng thịt heo, mọi người tranh nhau mua. Khu Thanh Xuân Bắc người dân đổ vào siêu thị để mua đồ hộp, ngoài chợ 20.000 đồng/1 mớ rau muống vẫn phải chen nhau mua. Tại các siêu thị Thanh Xuân, Rosa - Linh Đàm, siêu thị khu đô thị Mễ Trì Hạ... người mua đồ hộp, thực phẩm, rau xanh đông nghìn nghịt.

TUYẾT MAI

Chia sẻ bài viết