28/12/2007 - 16:17

Mua bản quyền sản phẩm - chiến lược phát triển bền vững của Dược Viễn Đông

Với bản quyền gần 40 sản phẩm dược chất lượng từ 5 đối tác Hàn Quốc uy tín, Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông đang đứng trong top đầu các doanh nghiệp ngành dược về mua bản quyền sản phẩm và chuyển giao về sản xuất, tiêu thụ tại Việt Nam. Bỏ ra tới hơn 2 triệu USD mua bản quyền sản phẩm như vậy, Viễn Đông sẽ được gì?

 Không phải ai cũng "dám" mua bản quyền sản phẩm.

Mua bản quyền sản phẩm khác với nhượng quyền thương hiệu (franchising), khái niệm đã trở nên khá quen thuộc ở Việt Nam và một số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được thành công thì mua bản quyền sản phẩm lại ít được mọi người chú ý. Trong nhượng quyền thương hiệu, bên nhận nhượng quyền bỏ chi phí để mua quyền được kinh doanh với thương hiệu nổi tiếng đó, bao gồm cách thức hoạt động sẵn có cảu hệ thống mà bên nhượng đã đạt thành công. Do đó, nói nôm na thì vấn đề của bên nhận nhượng quyền là phải làm sao cho giống với thương hiệu đó nhất thì hiệu quả cũng không nằm xa tầm tay.

 Trở lại với việc mua bản quyền sản phẩm. Không có con đường nào được "vẽ" sẵn cho bên mua bản quyền. Vì thế, bên mua bản quyền phải tự định hướng được hướng đi cho sản phẩm của mình. Đơn cử như trong ngành dược, khi doanh nghiệp mua bản quyền sản phẩm của đối tác nước ngoài, họ được đối tác bàn giao toàn bộ công nghệ bào chế sản phẩm. Kèm theo đó, các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật và phương pháp kiểm nghiệm sản phẩm (từ tên, hoạt chất của sản phẩm, các thông số kỹ thuật, dạng trình bày…) phải được đảm bảo. Chính vì thế, nó đòi hỏi doanh nghiệp phải vận dụng tối đa sự nhạy bén trong nắm bắt thị trường để chọn mua bản quyền của những sản phẩm uy tín, có khả năng tiêu thụ trên thị trường, đồng thời phải tự trang bị, nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và chuyển giao sản xuất sản phẩm đó một cách tốt nhất.

Thực tế, không ít doanh nghiệp dược Việt Nam hiện vẫn tồn tại tâm lý không mua bản quyền sản phẩm cũng chẳng sao, cứ thị trường có sản phẩm gì thì tìm cách làm và bán "ăn theo". Vậy cớ gì phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua bản quyền sản phẩm như vậy?

"Mua bản quyền trước hết vì người tiêu dùng"

"Viễn Đông mua bản quyền sản phẩm bởi người được lợi cuối cùng của việc này là khách hàng, là người tiêu dùng - người bệnh. Phục vụ khách hàng tốt nhất cũng chính là chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi" - ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dược phẩn Viễn Đông khẳng định. Ông Dũng lý giải, việc mua bản quyền sản phẩm giúp Viễn Đông chủ động sản xuất về mặt hàng, số lượng và thời gian cung cấp sản phẩm theo yêu cầu thị trường mà không phụ thuộc vào nhà phân phối nước ngoài như khi phải nhập uỷ thác. Các sản phẩm  sản xuất tại Việt Nam có cùng tiêu chuẩn, chất lượng tương đương, giá rẻ hơn 30-50% so với sản phẩm cùng loại sản xuất ở nước ngoài nhập về Việt Nam.

Dược Viễn Đông chọn những sản phẩm thuộc danh mục thuốc thiết yếu cho cuộc sống, đảm bảo về hoạt chất bào chế, công nghệ và dây chuyền sản xuất đồng bộ, chất  lượng cao, điều trị hiệu quả và phù hợp với thị trường Việt Nam. Để tránh rủi ro, Viễn Đông luôn tìm hiểu khá kỹ và mua bản quyền sản phẩm của những đối tác uy tín mà Tập đoàn đã từng nhập hàng của họ nhiều năm qua.

Hiện nay, một số sản phẩm Viễn Đông mua bản quyền của đối tác Hàn Quốc đã được chuyển giao công nghệ sản xuất tại các nhà máy đạt tiêu chuẩn GMPWHO như: Naphaco, Thephaco, Fushico….

Không chỉ xác định mua bản quyền sản phẩm là nền tảng cơ bản để ổn định sản xuất, nâng cao uy tín với những sản phẩm chất lượng hàng đầu, Tập đoàn Viễn Đông còn coi đây là một chiến lược phát triển bền vững, tiến tới để mỗi sản phẩm là một thương hiệu mạnh, giá trị. Phong cách chuyên nghiệp này đã giúp Viễn Đông khẳng định được vị trí của mình trong ngành dược.

Ở góc độ khác, việc Viễn Đông mua được khá nhiều bản quyền sản phẩm phần nào cũng cho thấy uy tín của Tập đoàn trước các đối tác lớn nước ngoài. Bởi lẽ, khi đối tác chấp nhận bán bản quyền sản phẩm của họ cho Viễn Đông có nghĩa là họ rất tin tưởng vào năng lực của Tập đoàn trong sản xuất, phân phối cũng như quản lý, giũ gìn thương hiệu cho sản phẩm. Điều này càng chứng tỏ Tập đoàn Dược Viễn Đông đã có lời giải đúng cho bài toán "chi tiền triệu đô, mua bản quyền sản phẩm" để góp phần có được thứ tài sản vô hình là uy tín, thương hiệu của Tập đoàn ngày càng lớn mạnh.

Chia sẻ bài viết