08/03/2012 - 21:26

Một tiến trình bị lãng quên

Cách đây 6 tháng, người dân Palestine đã lóe lên niềm lạc quan khi Tổng thống Mahmoud Abbas nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc (LHQ) và nhận được sự hoan nghênh rộng rãi của dư luận quốc tế. Sau đó, phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas quyết định trả tự do cho binh sĩ người Israel Gilad Shalit để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine bị Israel giam giữ.

Thế nhưng từ dạo đó đến nay, người ta không biết lá đơn của Chính quyền Dân tộc Palestine có còn nằm trên bàn nghị sự của LHQ hay bị đưa vào “hồ sơ lưu trữ” rồi. Tiến trình đàm phán hòa bình Palestine-Israel do nhóm “Bộ tứ” (gồm Mỹ, LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga) phát động cách đây vài năm chẳng thấy được ai nhắc tới. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi bước chân vào Nhà Trắng từng tuyên bố sẽ hoàn tất thỏa thuận hòa bình Trung Đông trong 2 năm, nhưng đã qua gần một nhiệm kỳ rồi tiến trình ấy vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Thời báo New York của Mỹ số ra ngày 7-3 cho biết, thậm chí ông Obama đã không đề cập một lời nào về số phận của người Palestine qua cuộc gặp quan trọng mới đây với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay tại Thủ đô Washington. Chuyện dùng biện pháp nào đối phó với Iran, theo hướng có lợi cho Mỹ và Israel, đã chiếm trọn thời gian cuộc gặp này, bởi nói cho cùng Israel vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Ngay trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên vừa qua của Ủy ban Công vụ Mỹ-Israel- nhóm vận động hành lang nhiều thế lực ở Washington, ông Obama cũng đã khẳng định lập trường ủng hộ Israel. Điều đó được ông dẫn chứng bằng những cuộc bỏ phiếu chống các nghị quyết của LHQ lên án hành động quân sự của Israel và chuyện Israel mở rộng các khu định cư Do Thái trên phần đất chiếm đóng trái phép của người Palestine.

Theo Thời báo New York, trong cuộc phỏng vấn hôm 7-3, Thủ tướng Palestine Salam Fayyad cho rằng thách thức lớn nhất của Chính quyền Dân tộc Palestine ngoài ách chiếm đóng của Israel, còn là sự thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ông Fayyad cho rằng đây là hậu quả trực tiếp của làn sóng “Mùa xuân A-rập” từ hơn một năm qua khiến nhiều nước Trung Đông chỉ lo bận bịu các vấn đề nội bộ, trong khi châu Âu vật lộn với nợ nần và Mỹ thì tập trung khôi phục kinh tế. Tương lai Palestine còn mờ mịt hơn khi ông Obama bắt đầu chiến dịch vận động tái tranh cử, giải quyết ván cờ Syrie và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Thời báo New York bình luận rằng Chính quyền Dân tộc Palestine đang tự cảm thấy bị bỏ rơi, bị gạt qua bên lề với những nỗi lo về sự chia rẽ chính trị nội bộ, tiến trình hòa bình với Israel sụp đổ, sự hậu thuẫn của bên ngoài giảm sút và nguy cơ tái phát bạo lực ở Trung Đông. Năm ngoái, Palestine chỉ nhận được 340 triệu USD viện trợ của các nước A-rập, ít hơn 200 triệu USD như kỳ vọng. Còn tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế năm nay sẽ được tổ chức tại Brussels (Bỉ) trong tháng này, ông Fayyad cho biết mình có thể không tham dự vì lo ngại sẽ không có đồng xu hỗ trợ nào. Palestine đang cần khoảng 500 triệu USD để trả nợ cho các công ty tư nhân và thanh toán lương hưu, chưa kể món nợ ngân hàng tư nhân 1,1 tỉ USD.

ĐỨC TRUNG (Theo NYTimes)

Chia sẻ bài viết