05/05/2021 - 08:51

Một số nước dọa phạt nặng công dân hồi hương từ Ấn Ðộ 

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 dữ dội tại Ấn Ðộ đang khiến một số quốc gia dọa sẽ phạt tiền, thậm chí bỏ tù, các công dân của chính mình nếu họ tìm cách hồi hương từ đất nước Nam Á.

Hành khách di chuyển tại sân bay quốc tế Kingsford Smith, Úc. Ảnh: Reuters

Đầu tháng 4 vừa rồi, New Zealand đã cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả hành khách, bao gồm cả công dân nước này, khởi hành từ Ấn Ðộ. Người vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tiền, thậm chí là phải ngồi tù. Nhưng 2 tuần sau đó, chính phủ xứ kiwi phải điều chỉnh chính sách để cho phép các công dân của mình trở về nước.

Tuần trước, đến lượt Úc thông báo những người nhập cảnh nước này sau khi ở Ấn Ðộ trong 14 ngày trước đó sẽ bị phạt tù, phạt tiền hoặc cả hai hình thức, kể cả công dân xứ chuột túi. Cụ thể, người vi phạm lệnh cấm sẽ đối mặt với mức phạt lên tới 51.000USD, ngồi tù 5 năm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 3-5 và dự kiến được dỡ bỏ vào ngày 15-5 tới.

Quyết định gây tranh cãi

Hiện còn khoảng 9.000 người Úc đang ở Ấn Ðộ, với phần lớn đều mong muốn trở về nước. Trong số những trường hợp mắc kẹt tại đây có một số ngôi sao thể thao, vận động viên môn cricket nổi tiếng nhất của Úc, đang thi đấu ở giải Ngoại hạng Ấn Ðộ (IPL). Cựu ngôi sao cricket người Úc Michael Slater (hiện là bình luận viên cho IPL) nằm trong số những người đã lên tiếng phê phán quyết định của Thủ tướng Scott Morrison là “điều hổ thẹn”. “Nếu Chính phủ Úc lo cho sự an toàn của công dân mình, thì họ sẽ cho phép chúng tôi trở về nhà”, Slater viết trên Twitter. Nhiều tổ chức nhân quyền cũng chỉ trích. Thậm chí một số đồng minh nổi bật nhất của ông Morrison mô tả lệnh cấm trên “bốc mùi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

Ðáp lại, Thủ tướng Morrison ngày 4-5 bác bỏ cáo buộc về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Ông Morrison cũng xoa dịu dư luận bằng cách nói rằng “khả năng” công dân Úc vi phạm lệnh cấm bị bắt giam là bằng không, mặc dù trước đó ông bảo vệ quy định mới. Cùng ngày, Hiệp hội Y khoa Úc cho rằng chính phủ phải lập tức đảo ngược chính sách gây tranh cãi trên và vạch ra kế hoạch đưa công dân nước này trở về từ Ấn Ðộ an toàn.

Thật ra, Úc đã tránh được kịch bản xấu nhất của đại dịch nhờ triển khai một số biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Những người không phải công dân Úc hầu như đã bị cấm nhập cảnh và bất cứ ai đặt chân vào đất nước 25 triệu dân này cũng đều phải thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn (phải tự trả phí). Tuy nhiên, hệ thống này đang chịu sức ép ngày càng lớn bởi virus đã nhảy khỏi các khu cách ly và gây ra nhiều ổ dịch trong cộng đồng với phần lớn chưa tiêm vaccine. Giới chức Úc muốn duy trì tỷ lệ ca nhiễm trong nhóm người bị cách ly sau khi trở về từ Ấn Ðộ ở mức 2% nhưng con số này trong những tuần gần đây đã tăng cao, nhảy lên gấp 7 lần. Do vậy, các quan chức khẳng định chính sách mới là nỗ lực nhằm bảo vệ hệ thống cách ly tại khách sạn trong nước khỏi tình trạng quá tải với những ca dương tính. Ðược biết, Úc dựa vào hệ thống cách ly tại khách sạn để tiếp nhận khoảng 5.800 hành khách đến từ nước ngoài mỗi tuần.

Mặc dù có hàng ngàn người Úc vẫn còn kẹt ở hải ngoại, song nhiều đồng hương của họ ủng hộ chính sách kiềm chế COVID-19 của chính phủ. Kết quả thăm dò gần đây của Viện Lowy cho thấy 59% ý kiến cho rằng chính phủ liên bang đã nỗ lực đủ để giúp hồi hương các công dân Úc. Kể từ khi đại dịch bùng phát, nước này đã đưa 500.000 công dân về nhà. Ngoài ra, có tới 95% người dân Úc tin rằng Canberra đã ứng phó đại dịch tốt hoặc khá tốt. Ðóng cửa biên giới đã giúp Úc giữ số ca nhiễm ở mức tương đối thấp, chỉ hơn 29.800 trường hợp với 910 người tử vong.

Sáng 4-5, Ấn Độ ghi nhận hơn 357.200 ca nhiễm COVID-19 và gần 3.500 người tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, hôm qua đánh dấu ngày thứ 13 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày trên 300.000 ca, trong đó ngày 30-4 có trên 400.000 ca. Hiện nước này có hơn 20,2 triệu ca mắc với trên 222.000 người chết. Ấn Độ đang trong vòng xoáy của làn sóng lây nhiễm thứ hai, với việc các bệnh viện và lò hỏa thiêu đều quá tải trong khi nguồn cung ô-xy y tế đang cạn kiệt.

HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider, WSJ)

Chia sẻ bài viết