29/12/2020 - 10:36

Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC) và Luật này có hiệu lực từ 1-1-2022. Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC có nhiều nội dung đổi mới quan trọng, như: tăng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, hoãn thi hành quyết định phạt tiền…

CSGT Công an huyện Cờ Đỏ hướng dẫn người vi phạm ký biên bản vi phạm hành chính.  Ảnh: KIM XUÂN

CSGT Công an huyện Cờ Đỏ hướng dẫn người vi phạm ký biên bản vi phạm hành chính.  Ảnh: KIM XUÂN

Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 hiện hành. Theo đó, nhiều nội dung cơ bản, quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn thi hành pháp luật về XLVPHC.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC đã tăng mức phạt tiền tối đa của nhiều lĩnh vực: giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội (tăng từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng); cơ yếu, giáo dục, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia (từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng); điện lực (từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng); bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng); báo chí (từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng); kinh doanh bất động sản (từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng). Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC còn quy định cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức được giao quản lý phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc quản lý, sử dụng và quy định danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải bảo đảm các yêu cầu, điều kiện sau đây: tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; tuân thủ đúng quy trình, quy tắc về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản và chỉ được sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính.

Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan theo quy định của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 1 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt là 2 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với vụ việc thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ.

Trong trường hợp vi phạm hành chính xảy ra ở địa bàn cấp huyện này nhưng cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở ở địa bàn cấp huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến UBND cấp huyện để thi hành... 

Việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây: cá nhân bị phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100 triệu đồng trở lên; cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc; trường hợp cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn thì phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên. Trường hợp tổ chức đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh thì phải có xác nhận của UBND xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.

HOÀNG YẾN (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết