15/08/2008 - 22:44

Một nhân cách lớn...

Với chủ đề “Tôn Đức Thắng – Một nhân cách lớn”, hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vừa được tổ chức tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang – quê hương của Bác Tôn. Các ý kiến và tham luận của các nhà khoa học mang đến hội thảo đã giúp người đọc, người nghe có cái nhìn khá toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc và quê hương An Giang.

40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu được gửi về cùng với những ý kiến tâm huyết trình bày tại hội thảo đã tập trung phân tích cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Qua đó, đã làm rõ một số vấn đề trọng tâm: Quá trình lựa chọn lý tưởng đến với giai cấp công nhân, Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và con đường giải phóng dân tộc của Tôn Đức Thắng. Những nhân tố truyền thống quê hương, gia đình và thời cuộc ảnh hưởng như thế nào đến việc lựa chọn lý tưởng của Bác Tôn? Vì sao nói Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Quá trình hình thành ý thức giai cấp công nhân của Tôn Đức Thắng. Nhân cách cao đẹp và những phẩm chất cách mạng tiêu biểu, nổi bật của Chủ tịch Tôn Đức Thắng…

Về sự lựa chọn lý tưởng của Tôn Đức Thắng, các ý kiến và tham luận đã tập trung phân tích các nhân tố khách quan, chủ quan tác động trực tiếp đến quá trình lựa chọn lý tưởng của Bác Tôn, như: truyền thống gia đình, người thầy, người thân, quê hương, thời cuộc… Tiến sĩ Huỳnh Văn Long, Học viện Chính trị -Hành chính khu vực IV, nhấn mạnh: Những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, của dân tộc đã hun đúc, hình thành các yếu tố đạo đức, nhân sinh quan đúng đắn cho thanh niên Tôn Đức Thắng trong việc định hướng lý tưởng của cuộc đời. Chính phẩm chất đạo đức và nhân sinh quan đúng đắn ấy đã giúp Tôn Đức Thắng quyết định không chọn con đường làm “quan”, làm “thầy” để rời quê hương lên Sài Gòn, bước vào cuộc sống tự lập mưu sinh bằng chính sức mình. Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng phân tích: Việc chọn nghề thợ và đến với giai cấp công nhân là bước ngoặt đầu tiên trong 5 bước ngoặt lớn để trở thành người chiến sĩ cộng sản của Tôn Đức Thắng. Đó là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, phản ánh sự phát triển nội tâm của người thanh niên có học thức, với khát vọng cống hiến cho đất nước và cho nhân dân. Việc chọn đường đi riêng của Tôn Đức Thắng thể hiện khát vọng và ý chí tự lập ngay từ tuổi trẻ, nó không chỉ dừng lại ở vấn đề mưu sinh mà còn là để từ công nhân mà lãnh đạo phong trào công nhân. Đó là nét độc đáo trong tính cách Tôn Đức Thắng! Các bước ngoặt tiếp theo là việc Tôn Đức Thắng quyết định vào học ở Trường Bách nghệ Sài Gòn, lãnh đạo công nhân tham gia đấu tranh, kéo cờ đỏ phản chiến trên tàu chiến France ở Biển Đen để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, thành lập Công hội bí mật và lãnh đạo công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và trở thành người chiến sĩ cộng sản ngay trong nhà tù đế quốc… Thành công từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là việc biết quyết định và dám quyết định vào những giờ phút cần quyết định cho cuộc đời, sự nghiệp của mình. Động cơ và mục tiêu cho quyết định đó là lòng yêu nước, thương dân và mong mỏi cho dân tộc thoát khỏi cảnh áp bức bóc lột.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Tôn Đức Thắng – Một nhân cách lớn”.

Như Đảng ta đã từng khẳng định: “Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tham luận và các ý kiến tại hội thảo đã tập trung phân tích sự đánh giá này. Nhiều ý kiến nhấn mạnh: Với tinh thần kiên cường trong đấu tranh, tận tụy trong công tác, tình thương yêu con người và đức tính khiên tốn, giản dị, Tôn Đức Thắng thật sự là một nhà tổ chức tài năng của mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta. Theo Thạc sĩ Lê Văn Bền, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, chính cuộc sống người thợ đã dạy cho anh Hai Thắng bài học có tính quy luật: đoàn kết là sức mạnh. Vì thế, ngay những năm đầu mới lên Sài Gòn học, Tôn Đức Thắng đã vận động anh em công nhân lao động đoàn kết chống lại bọn chủ xưởng, là linh hồn của phong trào công nhân Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20. Những năm tù khổ sai ở Côn Đảo, Tôn Đức Thắng càng thể hiện rõ vai trò hạt nhân đoàn kết trong chi bộ và Hội tù nhân, được mọi tù nhân kính trọng. Các tham luận cũng đã tập trung phân tích sự kiện Tôn Đức Thắng tham gia kéo cờ trên chiến hạm France ở Biển Đen, việc Tôn Đức Thắng chủ động liên lạc với giai cấp công nhân Pháp qua các tổ chức công đoàn để hoạt động… đã chứng minh Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ là người cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn góp phần tích cực vào việc thực hiện tình đoàn kết gắn bó giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước. Tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Viện Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Từ chốn lao tù đến khi giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí và sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người. Đó là lòng nhân ái và tinh thần khoan dung của một người mang sẵn trong mình những tố chất của một nhà tổ chức và lãnh đạo đoàn kết dân tộc, một người cộng sản kiểu Hồ Chí Minh khi đã “hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có nghĩa có tình””.

Một vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận nhiều trong buổi hội thảo là nhân cách cao đẹp và những cống hiến quên mình của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân. Từ lúc còn học nghề, làm công nhân ở nhà máy Ba Son, trở thành thợ máy tàu chiến của Pháp, những năm tháng ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, hay khi đã giữ những trọng trách do Đảng, Nhà nước giao phó… ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn, gian khổ đến mấy, Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn tỏ rõ rất mực trung thành, tận tụy đối với Đảng, nhân dân, luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất, phẩm chất đạo đức: cần, kiệm,  liêm chính, chí công, vô tư. Trọn đời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu một tấm gương sáng ngời về phẩm chất cao đẹp của người cộng sản. Trong tham luận của mình, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận xét: “Bác Tôn của chúng ta là một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bằng những mẩu chuyện nhỏ về cuộc sống đời thường, phong cách hoạt động, chuyện đối nhân xử thế của Bác Tôn, các đại biểu cũng đã khắc họa sâu sắc tấm gương sống giản dị, khiêm tốn, nghĩa tình trong sáng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Khi đã trở thành một vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch vẫn giữ nếp sống khiêm tốn, giản dị của người lao động, thích đi bộ, thích lao động chân tay và tự mình làm mọi việc cho bản thân mà không muốn phiền ai giúp đỡ. Dù ở cương vị, chức trách nào, Người cũng luôn hòa mình vào cuộc sống của mọi người, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tấm lòng nhân hậu, vị tha bao dung của Bác Tôn luôn thể hiện qua cử chỉ và việc làm, qua sự ân cần, chu đáo khi tiếp xúc với nhân dân, chăm sóc cán bộ… Nhiều ý kiến , tham luận cùng chung nhận định: chính những đức tính cao đẹp ấy của Bác Tôn đã làm cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng không chỉ được các đồng chí thân thiết và những người cùng thời quý trọng, ngưỡng mộ mà luôn tỏa sáng trong lòng của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau. Các đại biểu khẳng định: Phẩm chất đạo đức cách mạng và tấm gương cao đẹp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một bài học lớn, thường xuyên đối với mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh cả nước ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì việc học tập tấm gương Bác Tôn, người bạn chiến đấu thân thiết với đạo đức, tác phong gần gũi với Bác Hồ, càng có ý nghĩa.

Tiến sĩ Phạm Đình Huỳnh, Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Khu vực IV, nhận xét: Thông qua những tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo, đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và sự dày công nghiên cứu của các nhà khoa học, các cán bộ và nhân dân đối với cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Hội thảo cũng đã đưa ra được những đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tấm gương đạo đức và những cống hiến lớn lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với dân tộc. Đồng thời giúp các đại biểu rút ra được những bài học quý giá trong công tác xây dựng Đảng hiện nay và góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân ta.

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

Chia sẻ bài viết