01/08/2014 - 15:06

Một ngày ở bán đảo Sơn Trà

Đến bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), du khách có thể vừa "lên rừng", vừa "xuống biển" và trải nghiệm các hoạt động như câu cá, lặn biển, khám phá rừng già giữa lòng phố trẻ…; đặc biệt là diện kiến cây đa cổ thụ ngàn năm tuổi (còn được gọi là "cụ" đa Sơn Trà).

Hành trình khám phá bán đảo Sơn Trà - cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 10km về hướng Ðông Bắc - đưa chúng tôi chinh phục tầm cao trên 500m so với mực nước biển. Con đường ngoằn ngoèo dẫn lên núi Sơn Trà như dẫn vào khoảng không bất tận, trong lành và bình yên. Lên lưng chừng dốc, chúng tôi dừng lại, phóng tầm nhìn về phố biển. Sương sớm chưa tan nhưng cũng đủ để hiện lên một Đà Nẵng tươi trẻ với non nước nhấp nhô, bờ biển dài, những con đường ngang dọc, những chiếc cầu thế kỷ. Dọc theo con đường trải nhựa bằng phẳng và quanh co giữa núi rừng hoang sơ, đâu đó những chú khỉ con nghịch ngợm trên cành cây hai bên đường, những chùm hoa mua, hoa sim tím cả một góc đường và những loài hoa không tên đỏ thắm. Sơn Trà sống động và rực rỡ muôn màu.

"Cụ" đa đang được nhiều người ghé tham quan trong hành trình khám phá bán đảo Sơn Trà.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chặng đường khám phá là Nhà Vọng Cảnh Sơn Trà (nhiều người còn gọi là Đài Vọng Cảnh) nằm ở độ cao hơn 600m so với mực nước biển. Đài Vọng Cảnh được xây dựng trên một mỏm đá nhô ra nên có tầm nhìn rất tốt. Một vùng biển xanh ngắt hiện ra. Những chiếc thuyền trở nên nhỏ bé giữa màu xanh bạt ngàn của biển. Đâu đó những đám mây vờn nhau trên đảo Ngọc, xa xa làng Vân với những dải cát trắng xóa mềm mại; ngoảnh lại du khách có thể chiêm ngưỡng những "quả bóng" khổng lồ - trạm Rada T29. Thật thú vị khi trong không gian thoáng đãng của cảnh sắc thiên nhiên, trên tay là tách cà phê để thêm sức lực cho cuộc hành trình khám phá tiếp theo.

Đỉnh của núi Sơn Trà có tên là Bàn Cờ. Đường lên đỉnh quanh co uốn lượn, là một hành trình để khách trải nghiệm nhiều cảnh quan thơ mộng. Con đường có lúc bám theo vòng cung bờ biển nên thơ với những bãi biển hoang sơ, có đoạn lại xuyên qua những tán cây um tùm xanh mướt. Cái nắng gió của biển xen lẫn vào chút ẩm ướt của cây rừng khiến cho hành trình lên Bàn Cờ thật nhiều cảm xúc. Để lên tới khu vực đỉnh Bàn Cờ, chúng tôi phải leo một đoạn khá dốc. Theo truyền thuyết, có hai vị tiên ông ngồi đánh cờ trên đỉnh núi Sơn Trà, trong nhiều ngày vẫn bất phân thắng bại. Rồi một hôm, những tiên nữ bay xuống bãi biển để tắm, trong lúc lơ là nhìn tiên nữ vui đùa, một tiên ông đã bị đối thủ đánh bại. Bực mình, tiên ông giậm mạnh bàn chân lên tảng đá, đá văng bàn cờ xuống biển, rồi bay về trời. Theo truyền thuyết đó, người dân đã đặt bức tượng Đế Thích ngồi một mình bên tảng đá có hình bàn cờ và đỉnh Bàn Cờ có tên từ đó.

Men theo sườn núi về phía Đông Nam, chúng tôi đến tiểu khu 63 thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nơi có rất nhiều cây đa tạo thành quần thể đa. Trong quần thể này, có cây đa rất đẹp với nhiều rễ phụ rủ xuống, đâm sâu vào lòng đất. Nhiều người gọi cây đa đại thụ là bách niên đại thụ, cây đa ngàn năm hay "cụ" đa Sơn Trà. Theo Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà, cây đa này - có chu vi thân 10m, 26 rễ phụ, mỗi rễ cao khoảng 25m - vừa được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vinh danh là Cây di sản. Cây mọc trên sườn đồi nên phần lớn tán cây đổ về hướng biển, tỏa dáng xanh um trên nền trời. Để chụp toàn cảnh thân và một phần tán cây, người ta phải đứng cách xa thân, gần sát mép đường. Diện kiến "cụ", ai nấy cũng phải thán phục bởi sự tồn tại của cây suốt cả một thiên niên kỷ với bao nhiêu tác động khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường, nhất là những trận mưa bão kéo dài.

Kết hợp diện kiến "cụ" đa Sơn Trà, chúng tôi dừng lại chùa Linh Ứng - bãi Bụt. Chùa tựa lưng vào núi, hướng ra biển bao la, phía hữu là ngọn đèo Hải Vân thơ mộng, xa xa bên tả là cù lao Chàm án ngự. Địa thế chùa Linh Ứng - Bãi Bụt là nơi giao hòa giữa núi sông, biển trời. Theo truyền thuyết vào thời vua Minh Mạng, dân chài đánh bắt ven biển nơi đây đã phát hiện một tượng Phật trên bãi cát, cùng nhau lập am thờ tự. Từ đó về sau, sóng yên biển lặng, dân chài yên ổn làm ăn và tên bãi Bụt xuất phát từ đó. Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và… trẻ nhất trong 3 ngôi "Linh Ứng Tự" ở Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng - bãi Bụt còn được biết đến bởi nơi đây có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.

Chân bán đảo Sơn Trà là vòng cung bờ biển tuyệt đẹp với các bãi như: Tiên Sa, Đá Đen, bãi Rạng, bãi Bụt, bãi Xếp, bãi Đa, bãi Nam, bãi Bắc, bãi Con, bãi Trẹm... Du khách thỏa sức hòa mình trong làn nước mát lạnh, trong xanh đến mức có thể nhìn thấy những đàn cá con bơi lội tung tăng, hay được thỏa thích với thú vui câu cá. Không những thế, khách còn được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng rất tuyệt vời với hương vị cay nồng, mằn mặn của người miền Trung. Có gì tuyệt bằng mùi thơm tỏa ra từ những chú tôm, chú cá được nướng trên những bếp than hồng do chính tay mình câu được. Đánh một giấc trong những căn chòi lá nằm ngay trên những gờ đá, hay trên những bãi cát trắng, chúng tôi cảm nhận được mùi vị mặn mà từ những làn gió biển vi vu, từ dòng nước biển mát rượi đang dần dần thấm vào da thịt.

Với những đặc điểm riêng, bán đảo Sơn Trà có sức hấp dẫn độc đáo và những trải nghiệm thú vị, khó quên.

Bài, ảnh: Thanh Nhàn

Chia sẻ bài viết