14/05/2012 - 22:33

Đồng bằng sông Cửu Long

"Một điểm đến năm địa phương" sẽ hấp dẫn du khách hơn...

Đó là mục tiêu của chuyến khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long (TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) và Bạc Liêu, phối hợp với các công ty du lịch, doanh nghiệp du lịch lữ hành (TP Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội) vừa được tổ chức từ ngày 4 đến 10-5-2012. Đây là các tỉnh thành có nhiều lợi thế tiềm năng phát triển du lịch, hàng năm thu hút gần 13 triệu du khách, chiếm hơn 70% lượng du khách và doanh thu của ngành du lịch ĐBSCL…

* Bắt đầu từ chương trình hợp tác phát triển du lịch

TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ xác định là Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL (MDTA), vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL không chỉ có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, thủy sản mà là nơi có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch. Vì thế, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 về Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, tháng 7-2009, MDTA đã kết nối các tỉnh, thành (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau) ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2010-2015 và hướng đến năm 2020, hình thành “tứ giác du lịch” ở vùng ĐBSCL. Theo chương trình hợp tác phát triển “tứ giác du lịch”, 4 tỉnh, thành sẽ liên kết để khai thác tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL. Thông qua sự đầu mối của MDTA, ngành du lịch các tỉnh, thành sẽ trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực. Hàng năm, các tỉnh, thành luân phiên tạo ra một sự kiện du lịch đặc trưng định kỳ, tạo điểm nhấn cho hoạt động du lịch của vùng...

 Khách sạn Công tử Bạc Liêu.

Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 4 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL được sự ủng hộ, đồng tình của các doanh nghiệp du lịch các địa phương. Các Sở đã tạo được mối quan hệ chặt chẽ hơn trong việc cung cấp thông tin về tình hình hoạt động du lịch, về nguồn nhân lực... và vận động các doanh nghiệp du lịch tham gia thực hiện chương trình liên kết trong hoạt động của doanh nghiệp, tích cực tham dự các lễ hội, sự kiện tại các địa phương. Các địa phương đã tích cực phối hợp hỗ trợ, hưởng ứng các chương trình, kế hoạch, sự kiện do ngành du lịch của các tỉnh thành có ký kết hợp tác tổ chức. Việc kết nối tour, tuyến được các doanh nghiệp quan tâm đưa vào khai thác trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm với các tour, tuyến như An Giang là du lịch tâm linh, cộng đồng; Kiên Giang du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, biển đảo; Cần Thơ du lịch sông nước miệt vườn, chợ nổi; Cà Mau du lịch sinh thái rừng ngập mặn...

* Để “1 điểm đến 5 địa phương” hấp dẫn du khách

Theo Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc phê duyệt “Đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020”, với mục tiêu là phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của từng khu vực, địa bàn trong vùng, tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo, tạo điểm đến đặc trưng khu vực, mở ra khả năng kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng, liên quốc gia, tạo hiệu quả kinh tế cao từ du lịch... Theo đó, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang được xác định sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan sông nước, du lịch mua sắm, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; Cà Mau là điểm tham quan cực Nam của Tổ quốc, với du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Vùng kinh tế trọng điểm này có 4 cảng hàng không là sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau. Đây là điều kiện thuận lợi để du khách trong và ngoài nước đến đây.

Tuy mỗi địa phương Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL có sản phẩm du lịch đặc trưng khác nhau nhưng kết nối lại thành tour-tuyến-điểm du lịch sẽ hấp dẫn du khách hơn. Hiện nay, vùng kinh tế trọng điểm du lịch đã có được 6 trong 9 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL do MDTA bình chọn. Đó là Làng du lịch Mỹ Khánh (TP Cần Thơ), Khu du lịch đồi Tức Dụp và Khu du lịch Núi Cấm (An Giang), Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn-Phú Quốc và Khu du lịch Hòn Trẹm ( Kiên Giang), Công viên Văn hóa Du lịch mũi Cà Mau. Đây là những điểm đến có nhiều dịch vụ du lịch và thu hút đông đúc du khách đến ĐBSCL. Bên cạnh, các điểm du lịch tiêu biểu, các tỉnh thành vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL có nhiều sản phẩm và điểm đến hấp dẫn khác như chợ nổi Cái Răng (TP. Cần Thơ), Bãi Sao (Phú Quốc) và Mũi Nai (Hà Tiên) Kiên Giang, Hòn Đá Bạc và rừng U Minh (Cà Mau), du lịch cộng đồng (An Giang)... Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm và điểm đến chưa kết nối thành tour tuyến điểm của vùng nên du khách chưa biết nhiều và cầm chân du khách ở lại. Từ thực tế, ông Nguyễn Văn Phát, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang, Cụm trưởng Cụm du lịch vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL năm 2012, đã phối hợp với các tỉnh An Giang, Cà Mau, TP Cần Thơ và Bạc Liêu cùng với các doanh nghiệp du lịch lữ hành trong vùng và TP Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội, vừa thực hiện chuyến khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch “Một điểm đến bốn địa phương +” (+ là Bạc Liêu) để các tỉnh, thành liên kết, xây dựng tour du lịch chung cho 5 địa phương và bàn các giải pháp thu hút du khách đến với các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Phối hợp với các địa phương liên kết xây dựng các tour du lịch kết nối giữa 5 tỉnh, thành “Một điểm đến năm địa phương” để mời gọi các doanh nghiệp lữ hành ký kết hợp tác và tổ chức khai thác các tour du lịch này... “Mục đích chuyến khảo sát 5 tỉnh, thành xuất phát từ Quyết định của Chính phủ về Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Qua chuyến khảo sát này, để hình thành điểm đến, tour du lịch cho 5 tỉnh, thành và cùng nhau xây dựng thương hiệu chung, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước...” - ông Nguyễn Văn Phát cho biết.

Đoàn khảo sát đã tham quan gần 20 điểm du lịch của 5 tỉnh, thành như Hòn Tre, quần đảo Hải Tặc (Kiên Giang), Tức Dụp, Núi Sam, cù lao ông Hổ (An Giang), chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh (TP Cần Thơ), cụm nhà công tử Bạc Liêu, nhà tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sân chim Bạc Liêu, chùa Xiêm Cáng (Bạc Liêu), khu du lịch Đất Mũi, hòn Đá Bạc, rừng tràm U Minh Hạ (Cà Mau)... Các doanh nghiệp du lịch lữ hành cho rằng 5 tỉnh, thành này có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trưởng phòng đầu vào của Công ty ĐTTM& Du lịch Thân thiện Việt Nam (Hà Nội), chuyên đưa du khách nước ngoài tham quan Việt Nam, Đặng Hương Giang, cho rằng Hòn Tre có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng tiếc là hiện nay chưa có bãi tắm; Tức Dụp, chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy, cụm nhà công tử Bạc Liêu, nhà tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, rừng U Minh Hạ... là những điểm có thể thu hút du khách nước ngoài. Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế hệ trẻ (TP Hồ Chí Minh), chuyên tổ chức tour cho du khách trong nước, qua 7 ngày khảo sát 5 tỉnh, thành, nhận xét: “Chương trình, sản phẩm du lịch phong phú, không đụng hàng, trọng thị khách. Kiên Giang có nhiều lợi thế biển đảo, danh thắng nổi tiếng như Phú Quốc, Hà Tiên; An Giang nổi tiếng du lịch văn hóa tâm linh; Cần Thơ được biết đến miệt vườn sông nước (chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh); Bạc Liêu nhiều ấn tượng du lịch văn hóa như nhà tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người khai sinh bài “Dạ cổ hoài lang”, cụm nhà công tử Bạc Liêu; Cà Mau với sinh thái rừng ngập mặn Khu du lịch Đất Mũi, rừng tràm U Minh Hạ... Nếu các tỉnh, thành liên kết thành tour liên tuyến thì du khách nội địa rất ưa chuộng...”.

Bước đầu các doanh nghiệp du lịch lữ hành và các công ty du lịch đề xuất có thể liên kết thành tour “một điểm đến năm địa phương” với thời gian tour dài nhất là 7 ngày, 6 đêm và tour ngắn nhất 3 ngày, 2 đêm. Theo đó, các tour có thể như Sài Gòn-Hà Tiên-Hải Tặc-Phú Quốc (4 ngày 3 đêm); Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên-Ba Hòn Đầm; Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên- Cần Thơ (4 ngày 3 đêm); Sài Gòn-Cần Thơ-Châu Đốc (3 ngày 2 đêm), Cần Thơ-Bạc Liêu; Sài Gòn-Bạc Liêu-Cà Mau (4 ngày 3 đêm)... Các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng “Một điểm đến năm địa phương” sẽ sớm hình thành. Đó không chỉ là sự sống còn và phát triển du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL trong thời hội nhập mà còn làm phong phú sản phẩm du lịch, các tour tuyến điểm du lịch hấp dẫn du khách hơn, để các doanh nghiệp du lịch đầu tư khai thác hiệu quả, góp phần phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL nói riêng và du lịch ĐBSCL nói chung xứng tầm, đuổi kịp với du lịch các miền trong nước.

Bài, ảnh: HUỲNH BIỂN

Chia sẻ bài viết