03/05/2013 - 14:46

Ngoại trưởng Trung Quốc công du Đông Nam Á

Một công đôi việc

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cùng Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: The Nation

Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chọn Đông Nam Á làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du kéo dài 6 ngày kể từ sau khi ông được bổ nhiệm. Động thái trên cũng cho thấy chính quyền Bắc Kinh có ý muốn tăng cường quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực.

Theo lịch trình, ông Vương sẽ lần lượt đến thăm một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei. Tại điểm dừng chân Thái Lan hôm 1-5, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh xứ sở Chùa Vàng đã đóng vai trò “đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng” trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa Bắc Kinh và toàn thể các quốc gia ASEAN.

Phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Yingluck Shinawatra, ông Vương còn khẳng định Thái Lan là một quốc gia quan trọng trong khu vực, là “người hàng xóm thân thiện” và đối tác chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Về phần mình, Thủ tướng Yingluck cho biết rất hoan nghênh chuyến viếng thăm của Ngoại trưởng Vương, đồng thời lưu ý 2013 là năm đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN. Do đó, Thái Lan- với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN, sẽ tiếp tục thúc đẩy và thắt chặt quan hệ hợp tác song phương với Bắc Kinh  trên nhiều lĩnh vực.

Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 15 năm, các điểm đến châu Á nằm trong danh mục ưu tiên hàng đầu của một tân ngoại trưởng Trung Quốc. Lý giải nguyên nhân lựa chọn các nước ASEAN là điểm đến đầu tiên, ông Vương nói rằng Trung Quốc “luôn coi trọng việc thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng, điều này cũng chứng tỏ chính quyền Bắc Kinh đánh giá rất cao quan hệ với ASEAN”. Để làm rõ lập trường, ông Vương cho biết Trung Quốc cam kết tăng cường hợp tác “láng giềng thân thiện” và củng cố quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, đồng thời tiến hành hội thảo hữu nghị để xử lý đúng đắn những bất đồng và vướng mắc với một số thành viên trong khối.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sở dĩ Đông Nam Á là một trong những mục tiêu được ưu tiên trong chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc là do nước này đang tìm kế sách để giải quyết căng thẳng âm ỉ lâu nay liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Trong đó, sự lựa chọn điểm đến cho chuyến đi lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc đã thể hiện một số khía cạnh đáng kể.

Trước hết, 4 quốc gia trên dù không là đồng minh thân cận nhưng cũng không phải láng giềng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Thay vào đó, cả 4 nước đều thể hiện quan điểm trung lập cũng như có tầm ảnh hưởng nhất định trong ASEAN- chẳng hạn như Brunei hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối. Ngoài ra, nhà phân tích Zhang Mingliang thuộc Đại học Tế Nam ở Quảng Châu chỉ ra rằng việc Trung Quốc chọn Thái Lan, Indonesia và Singapore (vốn là các nước quan hệ chặt chẽ với Mỹ) cho thấy Bắc Kinh muốn thể hiện sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực có quan hệ hữu hảo với các cường quốc khác.

“Về mặt lợi ích thương mại, ASEAN sắp trở thành đối tác hàng đầu của Trung Quốc, và 4 quốc gia trên nằm trong số những nền kinh tế mạnh của khu vực. Về an ninh, Bắc Kinh qua các cuộc gặp có thể tìm ra kế sách tiếp cận phù hợp hơn để giải quyết mâu thuẫn với các nước láng giềng sau những hành động khiêu khích xung đột không cần thiết vào năm ngoái”- đồng sáng lập công ty tham vấn Dezan Shira & Associates Chris Devonshire-Ellis đưa ra nhận xét về chuyến đi của Ngoại trưởng Vương Nghị.

Cũng vấn đề liên quan Trung Quốc, báo cáo gần đây của một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết sức mạnh công nghiệp ngày càng phát triển của Trung Quốc cho phép nước này tạo ra thách thức “ngày càng đáng sợ” đối với quyền lực quân sự của Mỹ trong vùng lãnh hải xung quanh. Theo đó, khả năng Bắc Kinh trong 20 năm tới sẽ thu hẹp khoảng cách với Washington về tiềm lực quân sự, bao gồm khả năng  xây dựng tàu sân bay và chiến đấu cơ tàng hình là hoàn toàn có thể.

Chuyên gia về chính sách quốc phòng của Trung Quốc Michael D. Swaine nhận định, bản báo cáo là một trong những nỗ lực đầu tiên để dự đoán những hậu quả lâu dài trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực. Theo ông, sự xuất hiện của một “đối thủ mới” cũng đồng nghĩa “địa vị” thống trị hiện tại của Mỹ có thể sẽ không thể kéo dài hơn nữa.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ sự phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc với Mỹ và phần còn lại của châu Á sẽ ngăn Bắc Kinh đối đầu với Washington theo kiểu Chiến tranh lạnh hoặc sử dụng sức mạnh quân sự để “đánh bật” Mỹ ra khỏi khu vực. Đồng thời trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ không theo mô-típ Liên Xô cũ trở thành đối thủ của Mỹ trên toàn cầu. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ vẫn là một cường quốc trong khu vực với chiến lược trọng tâm liên quan vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

VI VI (Theo China Briefing, Xinhua, NYT)

 

Chia sẻ bài viết