Năm học 2019-2020 là năm bản lề cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Bên cạnh chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để giảng dạy vẫn là vấn đề được các trường, giáo viên, phụ huynh quan tâm.
Tâm thế sẵn sàng

Giờ học môn Toán của học sinh lớp 1A1 Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1.
Trong giờ học môn Toán, bài Phép trừ trong phạm vi 8 của học sinh lớp 1A1, Trường Tiểu học (TH) Mỹ Khánh 1 (huyện Phong Điền), cô Phạm Ngọc Trai sử dụng đồ dùng dạy học "Những dấu chấm tròn đa sắc", giúp bài giảng sinh động và thu hút học sinh. Cô Ngọc Trai cho biết: "Từ những phế liệu, tôi tận dụng làm đồ dùng dạy học, đồ chơi để phục vụ giảng dạy, giúp học sinh hiểu, nhớ lâu bài học. Quan trọng nhất là giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động. Tôi mong muốn tiếp cận những mục tiêu của chương trình GDPT mới sắp tới".
Là Tổ trưởng Tổ 1, 17 năm kinh nghiệm đứng lớp, được cử tham gia tập huấn về chương trình GDPT mới, nên hiện nay cô Ngọc Trai đã sẵn sàng tâm thế tiếp nhận chương trình SGK, GDPT mới sẽ triển khai vào năm học 2020-2021. Cô được trường tin tưởng giao chịu trách nhiệm chính bộ môn Đạo đức. Cô Trai chia sẻ: "Chương trình mới chú trọng phát triển phẩm chất năng lực học sinh; thời gian học trải nghiệm nhiều hơn so với chương trình hiện hành. Bản thân tôi và các đồng nghiệp đã tìm hiểu trước tài liệu. Nếu gặp vướng mắc, nhanh chóng trao đổi với lãnh đạo trường để hoàn thiện bài giảng". Trường TH Mỹ Khánh 1 có 993 học sinh; với 48 cán bộ, giáo viên đều có trình độ đạt chuẩn (số giáo viên trên chuẩn chiếm hơn 88%). Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2016; đây là điều kiện để trường triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.
So với các trường vùng ven, Trường TH Thới Bình 1, quận Ninh Kiều có điều kiện thuận lợi hơn. Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Hiện, trường có 950 học sinh từ lớp 1 đến 5, với 53 cán bộ, giáo viên (trong đó 44 giáo viên đều có trình độ trên chuẩn). Theo lãnh đạo nhà trường, tập thể sư phạm của trường đã tiếp cận, chuẩn bị cho đổi mới giáo dục từ nhiều năm nay; đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường hoạt động trải nghiệm; hoàn thiện cơ sở vật chất đi đôi với nâng chuẩn trình độ đội ngũ nhà giáo, đưa giáo viên học tập huấn liên tục liên quan đến chương trình GDPT mới. Cô Huỳnh Nguyễn Thiên Kim, Hiệu trưởng Trường TH Thới Bình 1, nói: "Tới đây, chúng tôi tiếp tục cử giáo viên học tập huấn; mở chuyên đề tập huấn lại cho giáo viên toàn trường. Vào cuối học kỳ I năm học này, kỳ họp phụ huynh học sinh cuối năm, trường tuyên truyền phụ huynh hiểu về chương trình SGK, GDPT mới, tạo sự đồng thuận".
Vẫn còn băn khoăn
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông; đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội từ nay đến hết ngày 30-1-2020 để sử dụng chính thức bộ SGK mới vào năm học 2020-2021. Theo đó, mỗi trường sẽ lựa chọn 1 bộ SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp. Tiêu chí lựa chọn bao gồm các nội dung chủ yếu như phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học. Giám đốc các Sở GD&ĐT được hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn phù hợp với địa phương. Hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập, giúp tổ chức lựa chọn SGK. Mỗi trường thành lập 1 hội đồng. Hội đồng có lãnh đạo nhà trường, các tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh, học sinh...
Theo ghi nhận từ Ban Giám hiệu một số trường phổ thông, dự thảo giao quyền tự chủ lựa chọn SGK cho cơ sở giáo dục phổ thông là hợp lý. Bởi vì sẽ giảm áp lực chọn SGK trên cả nước, vừa phù hợp với tình hình thực tế đơn vị, địa phương. Thế nhưng vẫn còn không ít băn khoăn. Theo cô Huỳnh Nguyễn Thiên Kim, Hiệu trưởng Trường TH Thới Bình 1, để lựa chọn bộ SGK có chất lượng, trường phải thành lập được một hội đồng, thành viên tham gia hội đồng phải am hiểu về chương trình GDPT tổng thể, chương trình từng môn học. Trường phải hoàn tất việc lựa chọn bộ SGK trước năm học mới 5 tháng - nghĩa là từ nay đến tháng 4-2020, trường phải chọn xong sách SGK. Tuy nhiên, hiện trường vẫn chưa tiếp cận được với danh mục SGK mà Bộ GD&ĐT lựa chọn. Cô Thiên Kim cho biết: Chúng tôi phải tiếp cận và dạy thử để đánh giá hiệu quả bộ SGK, mới tiến hành lựa chọn chính xác; nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được. Mặt khác, sau khi thông tư này có hiệu lực, Sở GD&ĐT thành phố phải ra tiêu chí hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK. Đều quan trọng nhất là Sở phải ra tiêu chí như thế nào cho các trường, tuy sử dụng SGK khác nhau, nhưng vẫn không gây khó trong công tác chỉ đạo chung của ngành GD&ĐT.
Thông tư trên tạo sự đồng thuận trong giáo viên, vì thầy cô theo sát tình hình học tập học sinh, chương trình học… từ đó có thể chọn bộ SGK phù hợp. Dù vậy, giáo viên cũng còn nhiều lo lắng. Cô Nguyễn Hoàng Bảo Minh, giáo viên dạy lớp 1, Trường TH Thới Bình 1, băn khoăn: "Trong dự thảo, ngoài việc lấy ý kiến giáo viên, giáo viên, cha mẹ học sinh còn có cả học sinh. Với học sinh thì sẽ khó khăn vì các em còn rất nhỏ, chưa hiểu rõ về chương trình". Anh Nguyễn Văn Kiên (phường An Bình, quận Ninh Kiều), có con trai vào học lớp 1, năm học 2020-2021, cho rằng: "Ngoài chất lượng của bộ SGK có phù hợp với cháu thì chỉ sợ tình trạng thiếu SGK vào đầu năm học mới. Tôi mong muốn ngành giáo dục sớm tiến hành việc chọn bộ sách phù hợp".
Để chương trình SGK, GDPT mới được triển khai hiệu quả, lãnh đạo các trường, giáo viên mong muốn, sau khi các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, Sở GD&ĐT ban hành các tiêu chí lựa chọn SGK, ngay sau đó các trường sẽ thành lập hội đồng lựa chọn, nghiên cứu danh mục SGK mà Bộ phê duyệt. Những thành viên tham gia hội đồng phải thật sự là người có tâm huyết, am hiểu về giáo dục, tâm sinh lý học sinh tiểu học. Đội ngũ nhà giáo phải là những giáo viên đi đầu trong đổi mới giáo dục. Các cơ sở giáo dục phổ thông phải làm tốt công tác truyền thông trong đội ngũ, phụ huynh, học sinh, xã hội... hiểu về đổi mới của chương trình SKG, GDPT mới.
Bài, ảnh: B.Kiên