Những tia hy vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syrie vừa lóe lên đã sớm mờ dần hôm 28-6 khi Nga khẳng định họ sẽ không tán thành kế hoạch chuyển tiếp chính trị có sự hậu thuẫn của nước ngoài với ý định buộc Tổng thống Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực.
 |
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng tới sát biên giới Syrie. Ảnh: AP |
Phát biểu tại Mát-xcơ-va, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không và cũng không thể ủng hộ bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài hay bất kỳ giải pháp nào được áp đặt. Điều này sẽ gây lo ngại cho số phận Tổng thống al-Assad”.
Ngoại trưởng Nga cùng người đồng cấp bên phía Mỹ Hillary Clinton sẽ có mặt tại hội nghị quốc tế diễn ra tại Genève (Thụy Sĩ) vào ngày 30-6, bàn về tình hình Syrie, trong đó có kế hoạch do đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn A-rập Kofi Annan đề xuất về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp thống nhất quốc gia Syrie, bao gồm cả phe đối lập tại Damas.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh mọi hành động can thiệp từ bên ngoài vào Syrie sẽ chỉ càng khiến tình hình thêm rối ren, thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng ở Libye. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, chính thể tại Syrie phải do chính người Syrie lựa chọn, các lực lượng bên ngoài chỉ nên giữ vai trò xúc tác giúp các bên ở Syrie chấm dứt bạo lực và ngồi vào bàn đàm phán.
|
Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC), nhóm đối lập chính tại Syrie, cho rằng họ bác bỏ bất cứ kế hoạch nào mà không bao gồm sự ra đi vô điều kiện của Tổng thống al-Assad và đồng minh thân cận của ông. Phát ngôn viên George Sabra của SNC cho biết, quan điểm của họ là “cứng rắn và rõ ràng”. Giới chức Mỹ cũng lên tiếng cảnh báo rằng Ngoại trưởng nước này, bà Hillary Clinton sẽ không tham dự hội nghị trên nếu tiến trình chuyển tiếp quyền lực của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad không nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, bà Clinton lại bác bỏ ý kiến cho rằng kế hoạch chuyển tiếp tại Syrie của ông Annan được soạn thảo từ những thế lực bên ngoài.
Trong khi đó, cũng hôm 28-6 giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, quân đội nước này được trang bị các khẩu đội pháo cao xạ, nhiều xe tăng đang được triển khai tăng cường tới sát biên giới với Syrie, hành động mà theo họ là “bảo vệ an ninh biên giới”, cho thấy căng thẳng đang leo thang giữa hai nước xung quanh vụ Syrie bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22-6. Kênh truyền hình nhà nước TRT của Thổ Nhĩ Kỳ phát đi các hình ảnh cho thấy có khoảng 30 xe quân sự kéo theo pháo cao xạ đang trên đường tới thị trấn duyên hải Iskenderun, cách biên giới với Syrie 50 km. Ngoài ra, một lượng lớn pháo cao xạ cũng đã được đưa tới nhiều địa điểm khác dọc biên giới với Syrie. Trong khi đó, hãng thông tấn Anatolia đưa tin xe bọc thép cũng đang được chuyển tới các căn cứ quân sự ở Sanliurfa và tỉnh Hatay.
MINH TÂM (Theo AFP, AP, Guardian)