11/12/2009 - 08:24

Mối đe dọa an ninh mới ở Iraq

Một góc hiện trường vụ đánh bom ở Baghdad hôm 8-12. Ảnh: AFP

Một ngày sau vụ 5 xe bom đồng loạt tấn công trụ sở các cơ quan công quyền ở Thủ đô Baghdad làm 130 người chết và hơn 400 người bị thương hôm 8-12, Thủ tướng Iraq Nouri Maliki đã lên truyền hình kêu gọi người dân ủng hộ chính phủ, và đề nghị các đối thủ của ông đừng biến việc cạnh tranh quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới thành các vụ bạo lực. Ông Maliki cũng tuyên bố sa thải Tư lệnh Bộ Chỉ huy các chiến dịch Baghdad - Tướng Aboud Qanbar, nhằm làm giảm sự chỉ trích của dư luận. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng họ đã phát hiện những khiếm khuyết trong cơ cấu an ninh ở Iraq, với sự chia rẽ sâu sắc bên trong các lực lượng an ninh được phơi bày sau loạt vụ tấn công.

Hai ứng viên chủ chốt trong cuộc bầu cử là Thủ tướng Maliki, người chỉ huy trực tiếp an ninh ở Baghdad thông qua Bộ Chỉ huy các chiến dịch Baghdad; và Bộ trưởng Nội vụ Jawad al-Bolani, giám sát lực lượng cảnh sát quốc gia. Ngoài ra, 70% các bộ trưởng, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm an ninh, cũng là ứng viên. Mà phần lớn các nhân viên an ninh Iraq lại trung thành với chính đảng của họ hơn là với quốc gia. Theo các nhà phân tích, điều đó đang hủy hoại tất cả sự hợp tác và phối hợp giữa các lực lượng an ninh. Kết quả là Iraq đang rơi vào tình trạng “khoảng trống an ninh”.

Sau các vụ đánh bom hôm 8-12, một số quan chức trong nội các đã chỉ trích năng lực của chính phủ. Một số chính khách dòng Hồi giáo Sunni và thế tục, vốn có vai trò quan trọng trong việc hòa giải với các phần tử nổi dậy Sunni, cũng lên truyền hình yêu cầu các tướng lĩnh hàng đầu của Thủ tướng Maliki từ chức.

Trong khi đó, dân chúng tỏ ra thất vọng đối với chính phủ khi cho rằng những phản ứng của lực lượng an ninh sẽ là “bổn cũ soạn lại”. Theo họ, cũng như 2 loạt vụ đánh bom làm 280 người chết hồi tháng 8 và tháng 10, chính quyền Iraq sẽ bắt giữ hàng chục người, trong đó có cả một số thành viên lực lượng an ninh. Nhưng sau đó, nhiều người sẽ được trả tự do một cách âm thầm. Những lời thú tội về các vụ đánh bom được phát trên truyền hình, thậm chí cáo buộc Syrie và Iran liên quan, là để “đánh bóng” năng lực của lực lượng an ninh. Còn thực tế, chính phủ Iraq đã thất bại khi để xảy ra các vụ tấn công lặp đi lặp lại như vậy. Ngay cả người chịu trách nhiệm giám sát an ninh cho các tòa nhà chính phủ là Thứ trưởng Nội vụ Ahmed al-Khafaji cũng cho rằng các cuộc điều tra sẽ không có kết quả gì. Thực tế là sau các vụ tấn công hồi tháng 8 và tháng 10, đến nay vẫn không có ai bị đem ra xét xử, trong khi những người đứng đầu các cơ quan an ninh thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, còn yêu cầu của Quốc hội về việc công khai sai lầm an ninh lại bị phớt lờ.

Thế nên, như lời Bộ trưởng An ninh Quốc gia Shirwan al-Waeli, việc các quan chức an ninh chạy đua với nhau trong cuộc tổng tuyển cử là “quả bom hẹn giờ” nguy hiểm đối với Iraq.

N. KIỆT (Theo NYT, CNN)

Một góc hiện trường vụ đánh bom ở Baghdad hôm 8-12. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết